|
Trong thư giới thiệu và chào mời mở tài khoản gửi đến NĐT, môi giới của một CTCK không ngại ngần quảng cáo việc CTCK mình sẵn sàng cho khách hàng vay cổ phiếu bán khống.
Thời điểm thị trường lình xình, hoặc có chiều hướng đi xuống cũng là lúc các hình thức cho vay (mượn) chứng khoán để bán khống nở rộ. Trong một thị trường giá xuống, rất ít người dám mạo hiểm "vay tiền mua chứng khoán", nhưng lại có khá nhiều người có nhu cầu "vay chứng khoán mua tiền".
“Chợ đen” cho vay chứng khoán đã họp
Những khách hàng VIP, NĐT chứng khoán chuyên nghiệp là những người có nhu cầu này hơn ai hết. Chính vì thế, để giữ chân khách hàng khỏi "chạy" sang các CTCK khác, cũng là để tăng thêm nguồn thu từ dịch vụ trong bối cảnh thị trường giao dịch "èo uột", nhiều CTCK sẵn sàng "lách luật" nhằm đáp ứng nhu cầu này.
Trong thư giới thiệu và chào mời mở tài khoản gửi đến NĐT, môi giới của một CTCK không ngại ngần quảng cáo việc CTCK mình sẵn sàng cho khách hàng vay cổ phiếu bán khống như một dịch vụ đặc biệt nhằm thu hút NĐT.
Thậm chí, những danh sách cổ phiếu kèm theo khối lượng cổ phiếu mà khách hàng được vay để bán khống cũng được môi giới và NĐT chuyền tay nhau. Bên cạnh đó là những tin đồn về việc quỹ này, quỹ kia cho mượn danh mục để bán khống cổ phiếu với khối lượng lớn xuất hiện tương đối nhiều trên các diễn đàn.
Quá trình vay mượn CK thường diễn ra với 2-3 chủ thể, gồm người vay, người cho vay và CTCK.
Người vay CK sẽ sử dụng số CK vay được để bán, với mục đích mua lại CK đó ở giá thấp hơn để trả lại người cho vay. Lợi nhuận thu được sẽ là chênh lệch giữa giá bán và giá mua lại, thường sẽ chia lại một phần cho người cho vay CK. Trong bối cảnh thị trường đi xuống, hành vi này dễ dàng thực hiện được, người vay không phải bỏ tiền mà vẫn có cơ hội kiếm tiền một cách nhanh chóng.
Người cho vay CK là người đang nắm giữ CK, nhưng không có ý định bán CK đó trong một khoảng thời gian. Do đó, việc nắm giữ CK sẽ không sinh lời, trong khi cho vay CK lại có thêm lợi nhuận. Người cho vay có thể là NĐT cá nhân, nhưng cũng có thể là các tổ chức, các quỹ thành viên…
CTCK là người trung gian, có nhiệm vụ thực hiện và giám sát thỏa thuận (hợp đồng) giữa các bên. Trong nhiều trường hợp, CTCK là người kết nối giữa nhu cầu vay và cho vay của các khách hàng, cũng có khi CTCK đóng vai trò như người cho vay CK (từ tài khoản tự doanh). Lợi nhuận CTCK thu được là từ phí giao dịch và phí dịch vụ.
Trong một số trường hợp, việc vay mượn cổ phiếu được hiểu theo hướng "hiện đại" hơn. CTCK đứng giữa với tư cách "nhà cái", còn NĐT sẽ "đặt cược" vào giá cổ phiếu mà không cần phải thực hiện việc mua bán thật.
Một số trường hợp cá biệt, có thể CTCK không có chủ trương cung cấp dịch vụ này. Nhưng việc vay CK vẫn diễn ra, chỉ cần thỏa thuận giữa 2 khách hàng và nhân viên môi giới. Trong trường hợp này, rủi ro tiềm ẩn thường rất lớn do ràng buộc chủ yếu chỉ là lòng tin giữa các bên.
Cần đưa "chợ đen" ra công khai
Khoản 9, Điều 71, Luật Chứng khoán 2006 quy định, CTCK có nghĩa vụ: "Thực hiện việc bán hoặc cho khách hàng bán CK khi không sở hữu CK và cho khách hàng vay CK để bán theo quy định của Bộ Tài chính".
Tuy nhiên, ngày 24/8/2009, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã ban hành Công văn số 1748/UBCK-QLKD yêu cầu các CTCK không thực hiện nghiệp vụ nói trên trong khi chưa có quy định thực hiện nghiệp vụ này. UBCK sẽ thực hiện kiểm tra và xử lý các công ty vi phạm quy định nêu trên. Lý do là UBCK lo ngại các CTCK sẽ không kiểm soát được rủi ro, dẫn đến tình trạng mất thanh khoản, ảnh hưởng đến NĐT và thị trường.
Nếu như việc các CTCK cho NĐT vay CK để bán bị UBCK cấm thì việc NĐT cho nhau vay mượn CK lại không phạm pháp, vì đây là thoả thuận dân sự giữa hai cá nhân với nhau và không hề bị pháp luật ngăn cấm.
TTCK Việt Nam đã trải qua 10 năm phát triển, yêu cầu có thêm nhiều sản phẩm dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng ngày càng cao, nhưng cần một hành lang pháp lý để triển khai.
Theo Nguyễn QuangĐầu tư chứng khoán