Lai Châu: Chú trọng công tác an sinh xã hội để vượt qua ảnh hưởng của dịch Covid-19

(PLVN) - An sinh xã hội là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, nơi có nhiều khó khăn và rủi ro trong cuộc sống. Năm 2020 vấn đề an sinh xã hội luôn được tỉnh Lai Châu quan tâm nhiều hơn, do ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid – 19.

Tỉnh Lai Châu là tỉnh biên giới, thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội (ASXH) lớn so với cả nước. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, kinh tế - xã hội chưa phát triển mạnh, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; tình trạng di cư tự do, hoạt động của các loại tội phạm trong vùng đồng bào dân tộc, còn diễn biến phức tạp… Toàn tỉnh có 20 dân tộc sinh sống, trong đó có 4 dân tộc rất ít người (Cổng, Mảng, La Hủ, Si La); đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 85% dân số. Do đó vấn đề ASXH tại Lai Châu luôn được các cấp chính quyền quan tâm hơn cả.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIII xác định: “Tập trung thực hiện giảm nghèo bền vững, tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo; tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, khuyến nông - lâm - ngư, tiêu thụ sản phẩm... phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo”.

Để cụ thể hóa các chủ trương về xóa đói, giảm nghèo của lãnh đạo tỉnh, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 28-6-2016, về “Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020”; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 34/2019 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2020 trong đó nhiệm vụ trọng tâm là giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm và bảo đảm ASXH.

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo; các chính sách hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, từ đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giúp người nghèo từng bước tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhờ những chỉ đạo sáng suốt và quyết liệt của các cấp chính quyền, trong 9 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid – 19 nhưng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; vấn đề lao động việc làm, ASXH, giảm nghèo trong toàn tỉnh vẫn đạt được những thành tựu đáng trân trọng. 

Các chính sách về ASXH, giảm nghèo, chính sách đối với người có công được triển khai đầy đủ, kịp thời, cụ thể: Tổ chức thăm hỏi, tặng 73.857 suất quà với tổng trị giá hơn 25.233,6 triệu đồng và nhiều phần quà bằng hiện vật khác cho các gia đình người có công, người nghèo nhân dịp tết Nguyên đán; phân bổ 374,58 tấn gạo cứu đói giáp hạt năm 2020. Hoàn thành chi trả 100% hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ, với kinh phí đã chi trả 125,024 tỷ đồng. 

Cán bộ chiến sĩ đang đo thân nhiệt cho người dân – Ảnh: laichau.gov.vn
Cán bộ chiến sĩ đang đo thân nhiệt cho người dân – Ảnh: laichau.gov.vn 

Phê duyệt đề án, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện Mường Tè. Triển khai thực hiện phần mềm theo dõi, giám sát tình hình, kết quả thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Thông qua các chương trình dự án về phát triển kinh tế, xã hội, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 5.532 lao động, đạt 74,69% kế hoạch , trong đó xuất khẩu lao động 40 người; tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho 4.500 người, đạt 75% kế hoạch.

Duy trì công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh; đặc biệt là trước tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và ở nước ta có những diễn biến phức tạp; tỉnh Lai Châu đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona.

Các cấp, các ngành tích cực triển khai đồng bộ, quyết liệt, kịp thời và toàn diện các giải pháp trong công tác phòng, chống dịch theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Chống dịch như chống giặc”; chuẩn bị trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất, máy móc trang thiết bị sẵn sàng phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh. 

Thực hiện hướng dẫn quản lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho tất cả các trường hợp đã đến vùng dịch theo thông báo của Bộ Y tế. Tính đến ngày 07/9/2020 qua điều tra giám sát, phát hiện, cách ly lũy tích 16.646 trường hợp.

Thực hiện khám chữa bệnh cho 796.343 lượt bệnh nhân, đạt 68,2% kế hoạch, giảm 25.698 lượt so với cùng kỳ năm trước; chương trình tiêm chủng mở rộng được duy trì tại 100% xã, phường, thị trần. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 96,8%, tăng 2,94 điểm % so cùng kỳ năm trước.

Khu vực cách ly các trường hợp nhập cảnh tại cửa khẩu Ma Lù Thàng – Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn
Khu vực cách ly các trường hợp nhập cảnh tại cửa khẩu Ma Lù Thàng – Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề ASXH của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Công tác phòng chống, tuyên truyền và khám chữa bệnh về một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh viêm đường hô hấp do vi rút Corona gây ra, bệnh H5N1, H7N9 còn nhiều khó khăn; thiếu bác sỹ và bác sỹ có trình độ chuyên khoa ở các tuyến, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở nên chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới; an ninh trật tự ở một số địa bàn còn tiềm ẩn phức tạp, các vụ vi phạm về ma túy, kinh tế, tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ năm trước.

Để tiếp tục triển khai các mục tiêu kế hoạch 2020 đạt kế hoạch đề ra, trong 3 tháng cuối năm, tỉnh Lai Châu tiếp tục tập trung duy trì và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; chủ động phòng chống dịch bệnh, đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác dự phòng và điều trị; tiếp tục giám sát chặt chẽ, thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cấp xã; xây dựng mô hình trạm y tế xã, phòng khám đa khoa hoạt động theo nguyên lý y học gia đình và lập hồ sơ quản lý sức khỏe của người dân bằng sổ điện tử tại 15 xã trên địa bàn tỉnh. 

Đồng thời thực hiện kịp thời các chính sách ASXH, đảm bảo cuộc sống và điều kiện sống cho người dân, không để người dân bị thiếu đói, đặc biệt là trong mùa giáp hạt. Đôn đốc chỉ đạo các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo chỉ tiêu kế hoạch giao năm 2020; tổ chức kiểm tra, giám sát đánh giá tình hình 18 thực hiện công tác đào tạo trên địa bàn tỉnh năm 2020. Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2021.

Đọc thêm