Hưởng ứng chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM) của Đảng và Nhà nước, nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, ngay từ khi triển khai, tỉnh Lai Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Cụ thể hóa bằng các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động. Tập trung chỉ đạo quyết liệt và có nhiều đổi mới, sáng tạo, tìm ra cách làm hay, tạo bước đột phá trong khâu tổ chức thực hiện. Trong đó, tỉnh xác định nhân dân chính là chủ thể trong xây dựng NTM. Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM được Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở hưởng ứng ngày càng sâu rộng, xây dựng nhiều mô hình điển hình trên lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đời sống của đồng bào các dân tộc huyện Tân Uyên không ngừng được cải thiện. Ảnh: Trọng Bảo |
Để đưa phong trào thi đua vào cuộc sống, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo khảo sát thực trạng các tiêu chí của các xã, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phát động phong trào thi đua về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM.
Đi đôi với công tác tuyên truyền, vận động, các ban, ngành, đoàn thể của huyện, thành phố còn thường xuyên cử cán bộ xuống các xã, bản giúp người dân làm NTM. Các phong trào thi đua như: “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, hay cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”... thu hút được sự hưởng ứng và tích cực tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân trong tỉnh.
Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt ước đạt 53.849 ha, đã thu hoạch 32.633 ha, sản lượng ước đạt 133.100 tấn, bằng 60,5% kế hoạch, tăng 260 tấn so với cùng kỳ năm 2019; trồng mới 760 ha chè, vượt 26,7% kế hoạch;
Tổng đàn gia súc ước đạt 298.765 con, đạt 90,6% kế hoạch; tổng đàn gia cầm ước đạt 1.521 nghìn con, đạt 98,8% kế hoạch.
Bình quân tiêu chí toàn tỉnh đến ước đạt 14,37 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí; Thành phố Lai Châu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Qua công tác tuyên truyền, nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân đã được nâng lên, vai trò chủ thể của người dân được chú trọng. Từ đó, người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực tham gia xây dựng NTM, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp các xã, các bản; nhận thức của người dân đã được nâng lên, người người, nhà nhà chủ động, tích cực tham gia xây dựng NTM, cùng nhau hiến đất, ngày công và đã tạo thành phong trào thi đua sôi nổi giữa các bản trong xã, các xã trong huyện và các huyện trong tỉnh. Có thể nói, phong trào đã đi vào chiều sâu, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong quá trình thực hiện.
Thực tiễn cho thấy, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho Nhân dân vùng nông thôn như: cơ sở hạ tầng, môi trường, an ninh trật tự, đời sống vật chất tinh thần…
Xác định rõ vai trò chủ thể quan trọng trong thực hiện 19 tiêu chí, người dân Lai Châu đã tích cực thi đua phát triển sản xuất, kinh doanh, đã góp phần làm cho kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần giá trị.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện xây dựng chương trình NTM trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện đang gặp phải một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền có nơi chưa sâu sát, linh hoạt, chưa hiệu quả nên vẫn còn một bộ phận người dân chưa chủ động, tích cực trong triển khai chương trình;
Công tác lãnh, chỉ đạo ở một số nơi, một số thời điểm chưa quyết liệt, thiếu sáng tạo, thiếu chủ động; công tác kiểm tra, tổng kết đánh giá ở một số nơi chưa được thường xuyên, kịp thời; kết quả xây dựng nông thôn mới tại các địa phương chưa đồng đều; kinh tế hợp tác ở nông thôn có phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức lại sản xuất;...
Thành phố Lai Châu về đích xây dựng NTM. Ảnh: Nguyễn Anh Phương |
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, tỉnh Lai Châu tiếp tục đưa ra những giải pháp thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM trong giai đoạn 2020-2025: tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn nhất là hệ thống giao thông nông thôn, đường nội đồng, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn; thực hiện chính sách thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, ưu tiên đối với lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực phi nông nghiệp có sử dụng nhiều lao động.
Đặc biệt, cần phát huy vai trò của Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong giám sát, tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, người có uy tín trong dân tộc, tôn giáo và các tầng lớp Nhân dân. Phát huy hơn nữa vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên tham gia xây dựng NTM. Từng cấp, từng ngành đưa nhiệm vụ xây dựng NTM là một trong những nội dung trọng tâm.