Dự hội nghị có ông Dương Đình Đức - Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ; bà Giàng Thị Hoa - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa hoc và kỹ thuật tỉnh; cùng lãnh đạo một số sở, ban ngành, lãnh đạo thành phố, huyện trong tỉnh và các nhà khoa học.
Tại hội thảo, các ý kiến tập trung vào những nội dung chủ yếu như: công tác bảo tồn những nguồn gen chuẩn, xây dựng trung tâm bảo tồn nghiên cứu phát triển giống cây dược liệu quý hiếm, cơ chế chính sách hỗ trợ, thu nhập của người dân, ban hành quy trình cho từng loại cây cụ thể, khuyến khích đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, đặt chuyên đề với các nhà khoa học để nghiên cứu, chế xuất ra sản phẩm dược liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu, dược liệu, thành lập tư vấn về thực hiện đề án, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, Sở khoa học, công nghệ hỗ trợ về hồ sơ, dự án, mục tiêu.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Lai Châu là tỉnh có nguồn cây dược liệu tự nhiên phong phú đa dạng về chủng loại lẫn công dụng như: lan kim tuyến, sâm Lai Châu, bảy lá một hoa, đảng sâm, hà thủ ô đỏ…, và có điều kiện thuận lợi để phát triển cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao. Việc đưa nghề trồng cây dược liệu trở thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh là hết sức cần thiết, đồng thời cũng nhấn mạnh các cấp, các ngành cần tiếp tục bảo tồn, xây dựng mô hình, hoàn thiện quy trình và nhân giống thành công các loại cây dược liệu quý.
Qua Hội thảo, tỉnh đã đề ra những nhiệm vụ bảo tồn xây dựng các vườn giống gốc tại chỗ các loài dược liệu quý có giá trị, xây dựng mô hình, hoàn thiện quy trình, nhân giống một số cây dược liệu quý hiếm khuyến khích phát triển, hình thành vùng sản xuất tập trung, thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất cây giống và chế biến dược liệu.
Trước đó, Đoàn công tác của tỉnh cũng đã đi thực tế tại vùng dược liệu của xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ và thành phố Lai Châu./.