Lại chuyện cái vỉa hè

Tuần qua, nhiều nhật báo; trong đó có Báo Đà Nẵng, đề cập khá đậm về việc sử dụng sai mục đích các lề đường (hay vỉa hè) gây mất mỹ quan và cản trở giao thông ở nhiều đô thị. Trên Báo Đà Nẵng ngày 21-12, tác giả Thanh Vân sau khi mô tả lề đường trước các trường học, bệnh viện, và ngay cả trước cơ quan của Đội Cảnh sát giao thông quận Hải Châu cũng bị người dân lấn chiếm làm nơi buôn bán…, tác giả kết luận bằng câu hỏi: Chẳng lẽ cơ quan chức năng bó tay với tình trạng này?

Tuần qua, nhiều nhật báo; trong đó có Báo Đà Nẵng, đề cập khá đậm về việc sử dụng sai mục đích các lề đường (hay vỉa hè) gây mất mỹ quan và cản trở giao thông ở nhiều đô thị. Trên Báo Đà Nẵng ngày 21-12, tác giả Thanh Vân sau khi mô tả lề đường trước các trường học, bệnh viện, và ngay cả trước cơ quan của Đội Cảnh sát giao thông quận Hải Châu cũng bị người dân lấn chiếm làm nơi buôn bán…, tác giả kết luận bằng câu hỏi: Chẳng lẽ cơ quan chức năng bó tay với tình trạng này?

Một câu hỏi tưởng ngớ ngẩn, nhưng hàm chứa nhiều điều đáng suy nghĩ về công tác quản lý và thực trạng điều hành bộ máy hành chính trong quản lý đô thị hiện nay ở nhiều nơi. Trên đường Trưng Nữ Vương, tại khu vực trước Chi nhánh Điện quận Hải Châu, Đà Nẵng là một điển hình của tình trạng này. Lề đường tại đây dài khoảng 50 mét là nơi tập kết rác, xà bần lưu cửu hơn chục năm nay. Ngành Điện vì mỹ quan và vệ sinh trước cơ quan, đã đầu tư cả trăm triệu đồng làm lại hàng rào, tráng bê-tông, trồng cây xanh đoạn vỉa hè này và bàn giao cho địa phương quản lý. Được một thời gian tương đối ngăn nắp, đoạn đường lại bị rối tung lên vì rác và cát sạn, xà bần cả đêm lẫn ngày được tấp vào đây. Hỏi ra mới biết đã xin phép… phường! Đội Cảnh sát trật tự gần đây có tuần tra qua đây, nhưng chỉ phạt các loại xe cơ giới đậu trên lề đường, còn tình trạng dùng lề đường làm nơi tập kết VLXD và đổ rác thì chịu thua, vì chẳng biết ai là người vi phạm để phạt!

Trên đường Quang Trung, hai bên lề đường, đoạn từ ngã ba Nguyễn Thị Minh Khai đến ngã tư Lê Lợi sau 5 giờ chiều đều thuộc “quyền quản lý” của đội quân bảo vệ các nhà hàng ăn uống, quán cà-phê vườn gần đó. Người viết từng chứng kiến một tài xế xe con đỗ trên đoạn đường này đã bị cánh bảo vệ đuổi đi. Anh ta thắc mắc thì được các nhân viên bảo vệ ở đây cho biết đã… hợp đồng thuê lề đường để giữ xe cho khách từ lâu nay! Giằng co mãi, anh lái xe phải lo tìm chỗ đậu khác, vì sợ… trầy xe!

Chỉ hai trường hợp trên cũng đã thấy: Chính chính quyền các địa phương, vì nhiều lẽ (trong đó có việc thu tiền cho kinh phí hoạt động tại địa phương) đã hợp thức hóa việc chiếm dụng không gian dành cho người đi bộ vào mục đích khác, tạo ra cảnh nhếch nhác, mất vệ sinh đô thị.

Tình trạng đổ vật liệu và để xe đạp, xe máy trên lề đường có giải quyết được không? Theo tôi là được! Có thể bằng nhiều cách. Chẳng hạn, các nhà hàng, tiệm ăn muốn được cấp phép kinh doanh phải bảo đảm có chỗ giữ xe cho khách; khuyến khích các chủ hộ mặt tiền trên các phố không buôn bán có thể làm dịch vụ giữ xe bằng việc miễn thuế và buộc giữ theo giá quy định; các gia đình có xây cất nhà cửa buộc đơn vị thi công phải gia công vật liệu theo quy cách và chở đến chân công trình theo tiến độ như kinh nghiệm nhiều nước đã làm…

Với những giải pháp đồng bộ như vậy, câu hỏi Chẳng lẽ cơ quan chức năng bó tay với tình trạng này? trong “vấn nạn lề đường” sẽ sớm được giải quyết. Cần lưu ý rằng, nếu tính liên kết, phụ thuộc lẫn nhau của cư dân luôn là một đặc trưng của xã hội đô thị, thì yêu cầu đồng bộ và xuyên suốt là những đặc điểm khác đối với quản lý đô thị. Quản lý đô thị không thể là việc “chặt khúc” để giải quyết những vấn đề dân sinh bức bối.

Chỉ riêng cái lề đường đã hàm chứa bao nhiêu bài học về quản lý và tạo cho các đô thị bộ mặt văn minh, hiện đại.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Đọc thêm