Lại chuyện học văn, hành văn!

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đã qua hơn một tháng nhưng dư âm vẫn còn. Đó là niềm vui với  kết quả thi đỗ của rất nhiều học sinh vào các trường chuyên, trường công lập trong thành phố, đồng thời là nỗi buồn của học sinh, của các bậc phụ huynh cũng như thầy, cô giáo về việc thi hỏng của một số em. 

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đã qua hơn một tháng nhưng dư âm vẫn còn. Đó là niềm vui với  kết quả thi đỗ của rất nhiều học sinh vào các trường chuyên, trường công lập trong thành phố, đồng thời là nỗi buồn của học sinh, của các bậc phụ huynh cũng như thầy, cô giáo về việc thi hỏng của một số em.
 

Thi cử, đậu hay rớt cũng là chuyện thường tình, vấn đề đáng đề cập ở đây là cách học, thái độ học của học sinh đối với việc học tập, đặc biệt là học văn. Trước thềm năm học mới, thiết nghĩ góp thêm một tiếng nói để giúp học sinh học tốt vẫn là chuyện không thừa.

Có thể sẽ có người bảo đây là chuyện “cũ rích”. Hoặc theo nhiều người thì chuyện này ai cũng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Lại có người chép miệng cho rằng “văn chương tự cổ vô bằng cớ”. Cứ hướng con em mình học các môn tự nhiên cho... chắc ăn! Thậm chí, trong nhà trường, đi tìm học sinh vào đội tuyển môn văn cũng rất khó. Có nhiều em học rất khá môn văn nhưng vẫn kiên quyết không chịu vào đội tuyển! Thực chất, chất lượng môn văn đã được cảnh báo nhiều lần. Dù đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn những điều khiến ta phải quan ngại. Biểu hiện rõ rệt là qua các bài làm văn của học sinh trong chương trình và nhất là qua các kỳ thi.

Gần như cứ sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp THCS, THPT, đại học..., chúng ta lại được đọc trên báo những bài văn, đoạn văn của một số thí sinh. Có những bài văn các em làm rất hay, đạt điểm 9, 10.  Những bài văn ấy đọc lên ta nghe thấm thía xen lẫn niềm khâm phục, tự hào. Không chỉ với thầy, cô dạy các em mà với cả phụ huynh, với nhiều người, những bài văn ấy là kết tinh của sự dạy dỗ của thầy, cô, là trí tuệ, là tình yêu môn văn học, là tính nhân văn có trong tâm hồn các em. Nhưng tiếc thay, những bài văn ấy thật hiếm hoi. Ngược lại, nhiều lần đọc những bài văn, đoạn văn... thật chẳng biết nói sao! Có thể nói đó là những bài văn mà đọc lên ai cũng phải cười ra nước mắt.

Chấm thi môn văn năm nào cũng vậy, mặc dù lãnh đạo hội đồng chấm yêu cầu chấm hoàn toàn độc lập, nhưng có nhiều lúc giám khảo chúng tôi phải dừng lại để đọc cho nhau nghe những đoạn văn, những cách hành văn thật... “kinh dị”, khó lòng tưởng tượng ra! Nhiều lần đi chấm thi, tôi cứ nghĩ “giá như có cách nào để ghi lại toàn bộ những câu văn, đoạn văn của học trò, chắc những người làm giám khảo sẽ có “tuyển tập” truyện cười độc đáo!

Chưa nói đến cách hành văn, cách dùng từ, chấm câu, cách hiểu văn của một số em làm ta phải kinh ngạc. Tôi còn nhớ rất rõ, kỳ thi tuyển vào lớp 10 năm ngoái, đề văn yêu cầu phân tích một đoạn thơ trong bài “Nói với con” của nhà thơ Y Phương. Một em học sinh đã viết phần mở bài như sau: “Trong cuộc sống có nhiều loại lòng. Lòng heo, lòng bò, lòng gà, lòng vịt, lòng... thả. Nhưng, thú vị nhất vẫn là… lòng mẹ. Đối lập lòng mẹ là tình cảm cha con...!”.

Rồi từ đó, em dẫn bài “Nói với con”. Hẳn có người sẽ cho là cường điệu nhưng đó là sự thật một trăm phần trăm. Năm nay, đề văn yêu cầu phân tích đoạn trích “Cảnh ngày xuân” trích Truyện Kiều, các em lại càng có nhiều cách cảm nhận lạ lùng: “Nếu Hữu Thỉnh cảm nhận mùa thu đến bằng mùi hương ổi thì Nguyễn Du cảm nhận mùa xuân bằng mùi vải thiều!” (Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi). Cũng vẫn với câu thơ này, khá nhiều em đã hiểu là nhà thơ Nguyễn Du già rồi, đã ngoài sáu mươi tuổi. Thậm chí có em dám khẳng định chị em Kiều đã già, ngoài sáu mươi. Do không còn trẻ nữa nên tranh thủ đi bộ để... hưởng thụ, đi xem hội cho thỏa thích! Câu thơ “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm” được vài em liên hệ một cách... hùng hồn với câu “ông ăn chả, bà ăn nem” và cho rằng nhân dịp hội hè này, chị em Kiều được ăn nem, được... cưỡi ngựa xem hoa lê đua nhau nở!

Chưa nói đến lỗi chính tả (không phân biệt nem với nêm), cảm nhận, suy diễn như vậy thật hết chỗ nói. Với câu thơ “Gần xa nô nức yến oanh” thì có em viết: “Trong ngày hội có vô số yến anh, yến chị bay về”! Cùng với yến anh, yến chị thì gò đống cũng rủ nhau kéo lên, ngay những con... ngan (ngổn ngang gò đống kéo lên) cũng  tham gia lễ hội”. Có em còn tỏ ra am hiểu về tiết kiệm. Phân tích câu thơ “Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay”, em đã lớn tiếng lên án những người đi chơi xuân hoang phí quá, xài tiền vàng bừa bãi, không thực hiện chính sách tiết kiệm của Nhà nước! Cũng trong câu thơ này, có nhiều em “tán” rằng: Mặc dù Mã Giám Sinh cố đem rất nhiều tiền vàng để mua chuộc chị em Kiều nhưng đừng hòng. Chị em Kiều chỉ cần tình chứ không cần tiền! Ở sáu câu thơ tả cảnh ngụ tình “Tà tà... bắc ngang”, câu thơ “Bước dần theo ngọn tiểu khê” có em hiểu “tiểu khê” thật kinh hãi, không thể dẫn ra đây được!

Và còn biết bao nhiêu cách cảm nhận lạ lùng của học sinh. Dĩ nhiên, chẳng có thầy, cô nào dạy các em như thế cả. Đọc những câu, những đoạn văn ấy, ngoài sự buồn cười ban đầu là một nỗi đau, chua chát. Bất giác chúng tôi lắc đầu thở dài ngao ngán. Ở đây không nói đến khía cạnh văn hay hay dở, bởi điều đó tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Đó là năng lực cảm thụ của các em, là sự giảng dạy của thầy cô giáo, là năng khiếu, là tình yêu đối với môn văn, là tình yêu cuộc sống. Dù vậy, chí ít, các em cũng phải có được những cách hiểu sao cho đúng đắn, bài làm có thể không hay nhưng phải đúng chứ?

Nguyên nhân? Có lẽ rất nhiều. Trước hết là ở năng lực hạn chế, trình độ cảm thụ văn học chưa sâu. Đặc biệt trong giờ học, các em  không chú ý, bởi nếu chịu khó lắng nghe thầy, cô giảng bài trên lớp, dù không thể viết hay nhưng vẫn cảm thụ bài văn một cách tương đối. Lại có nhiều em học “tủ’, nên khi trật tủ thì chẳng biết viết gì. Vậy thì chỉ còn cách viết... hú họa, viết nhăng viết cuội, nếu không muốn nằm… ngủ! Cá biệt, một số em cho rằng môn văn thì không cần học.

Nói như một số em thì khi nào làm bài cứ “chế” ra, cứ “hoa” lên là được! Nhiều em còn bi quan cho rằng, học môn văn giỏi là do thiên khiếu, nếu không có năng khiếu thì học văn không được. Ngoài ra, phải chăng còn có nguyên nhân từ người dạy, từ phụ huynh? Nhưng, nói gì thì nói, cách học văn, hành văn như thế đã để lại sự nhức nhối, ưu tư trong lòng mỗi chúng ta, nhất là những người tâm huyết.

Một trong những việc làm thiết thực, quan trọng để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là dạy văn và học văn. Thiết nghĩ, đó không phải là việc của riêng ai.

Huỳnh Thị Thanh Vân

Đọc thêm