Thông tin mới nhất trên Dân trí cho biết, chiếc xe nói trên có thể bị tịch thu, tiêu hủy.
Mới cách đây không lâu, Nhà phân phối chính thức thương hiệu ôtô Zotye là Công ty cổ phần thương mại Kylin - GX688 đã phải gỡ bỏ ứng dụng dẫn đường (Navigator) trên các mẫu xe Trung Quốc cũng có hình lưỡi bò.
Trước đó, họ cũng khéo léo “cài cắm” hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp trong phim hoạt hình “Everest - Người tuyết bé nhỏ” được sản xuất năm 2019 bởi hãng phim Dream Works Animation Studio (Mỹ) và Pearl Studio (Trung Quốc).
Từ những vụ việc liên tiếp trên, hoàn toàn có thể đặt câu hỏi về tính mưu đồ của vụ việc và buộc chúng ta phải rất đề cao cảnh giác đồng thời phải có những hình phạt nghiêm khắc nếu để xảy ra sơ xuất.
Tuy nhiên mới đây, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã có hình thức kỉ luật làm “mát lòng đương sự”.Cụ thể, trong bộ phim hoạt hình “Everest - Người tuyết bé nhỏ”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với bà Nguyễn Thị Thu Hà - Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh và bà Lý Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh. Kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với ông Nguyễn Danh Dương - Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.
Bộ cũng giao Cục Điện ảnh áp dụng hình thức khiển trách đối với ông Khuất Duy Tân, Trưởng phòng Phổ biến phim và ông Trần Trung Dũng, Trưởng phòng Nghệ thuật.
Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam là đơn vị nhập khẩu bộ phim “Everest - Người Tuyết bé nhỏ” bị phạt 170.000.000 đồng và buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Riêng bà Nguyễn Thị Thu Hà phải chịu thêm hình thức… cắt quyền cục trưởng.
Đây có lẽ là lần kỉ luật nghiêm khắc nhất của Bộ này lâu nay. Tuy nhiên, theo tôi thì mức kỉ luật còn quá nhẹ bởi đành rằng nó là sơ suất nhưng ở đây là chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng, nhất là lại rơi vào đúng thời điểm Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại bãi Tư Chính. Và như đã nói ở trên, việc này hoàn toàn có thể nằm trong chuỗi mưu đồ bẩn thỉu của họ.
Riêng với quyền Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Hà, với trách nhiệm người đứng đầu nhưng bà Hà chỉ phải khiển trách còn việc “cách” cái chức “quyền” thì nó có vẻ đầy “tạm bợ”. Nói thẳng, tiếng là “cách” nhưng thực ra thì chẳng… “cách” gì.
Đành rằng ở đời, khó có ai không mắc lỗi nhưng có những lỗi có thể “xin”, có những lỗi có thể “tha”. Song, lỗi về chủ quyền này thì không thể và cái mức “khiển trách” nó nhẹ hều, chả khác mấy “phê bình”, “kiểm điểm” hay “rút kinh nghiệm sâu sắc” – những cụm từ nghe rất… quen tai!
Có lẽ cũng cần nói thêm, ngành văn hóa dưới thời Bộ trưởng Thiện có quá nhiều “trục trặc” rất vớ vẩn. Ví như vụ cấm bài hát “Con đường xưa em đi” hay hát Quốc ca phải xin phép...
Có cảm giác cái thứ bậc thứ 3 từ dưới lên trong đợt lấy phiếu tín nhiệm vừa qua của Quốc hội hình như chưa đủ nhắc nhở để vị tư lệnh ngành nỗ lực nhiều hơn. Trong khi, chỉ còn hơn một năm nữa là hết nhiệm kỳ.
Mong rằng ông không giống vị Bộ trưởng tiền nhiệm là trao lại “di sản” không mấy “suôn sẻ” của mình cho người kế nhiệm: “Tôi bỏ ngỏ cho nhiệm kỳ tiếp theo trả lời việc này, tôi không dám trả lời… Trách nhiệm của chúng tôi sẽ truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp – Nguyên Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói vào tháng 11.2015”.