Lại “nợ” cử tri chuyện tăng lương

(PLO) - Đa số đại biểu băn khoăn khi phải cân đối giữa nhu cầu chi đầu tư phát triển, trả nợ công với nguồn thu ngân sách hạn hẹp trong năm tới.
Công nhân luôn trông chờ được tăng lương
Công nhân luôn trông chờ được tăng lương
Thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015 chiều qua (31/10), Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản đồng tình với dự toán NSNN năm 2015 của Chính phủ nhưng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các  bộ, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ các khoản chi trước áp lực tăng chi lớn, không để chi vượt dự toán.
Quốc hội “nợ” cử tri việc tăng lương
Dự toán NSNN năm 2015 không có khoản chi cho việc tăng lương khiến nhiều ĐBQH lo ngại cho bộ phận những người đang làm công ăn lương có mức sống chưa được bảo đảm. ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, với trách nhiệm là đại diện của nhân dân, Quốc hội cần xem xét lại chủ trương chưa tăng lương vào năm 2015 vì “đã lỗi hẹn tăng lương với cử tri một lần” và “nếu không tăng lương là không đảm bảo chính sách an sinh xã hội và các chính sách khác”. 
ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) nhất trí chưa nên tăng lương, nhưng đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân bởi đây là điểm khiến ĐBQH và cử tri “chưa thông”; nhất là “các nguyên nhân Chính phủ đưa ra để chưa tăng lương đều là lỗi của Quốc hội, Chính phủ chứ không phải lỗi của người lao động” như nhận xét của ĐB Lê Nam. 
Đưa ra một loạt giải pháp để cải thiện tình hình tăng thu NSNN như cải thiện tình trạng “lãnh đạo nhiều nhưng người làm thì ít”, công khai danh tính những công trình lãng phí và qui định thời hạn khắc phục, xử lý…, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) khẳng định: “Nếu làm tốt sẽ quá đủ điều kiện tăng lương. Còn nếu không tăng được hết thì cần phải tăng cho những người có hệ số lương thấp và những người đã nghỉ hưu trước năm 1993”.
Từ một trong những nguyên nhân chưa tăng lương là bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, ĐB Trần Đình Nhã (Thừa Thiên Huế) ước tính, chi phí cho vị trí cấp phó vào khoảng 4.000 tỷ đồng/năm, nhưng nhiều khi lại “giẫm  lên chân nhau, làm thay cho cấp trưởng, thậm chí làm thay cho cả cấp dưới”. Do đó, nhiều ĐBQH yêu cầu Chính phủ rà soát, cắt giảm các cấp phó, đổi mới bộ máy để NSNN không phải gánh thêm chi phí không cần thiết để nuôi bộ máy quá lớn. 
Chống thất thu để có nguồn chi
Hiện rất khó cắt các khoản chi vì đều là những khoản “cứng” và thậm chí còn muốn tăng chi cho đầu tư phát triển. Trong khi đó, đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều tồn tại mà thường có sự  đồng tình giữa bên A và bên B nên không bên nào chịu trách nhiệm, chỉ NSNN phải gánh chịu sự lãng phí và gánh nặng NSNN,  nên đa số ĐBQH nhấn mạnh đến việc phải chống thất thu để đảm bảo nguồn chi và cải thiện tình hình ngân sách cho năm 2015.
Theo đa số ĐBQH, nguồn thu bị thâm hụt chủ yếu do các khoản thu không được đảm bảo thu đúng, thu đủ, nhất là tình trạng doanh nghiệp lợi dụng các chính sách của Nhà nước để trốn thuế, nợ thuế, chiếm dụng tiền thuế, buôn lậu, mua bán hóa đơn... khiến 8 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ nợ đọng thuế lên đến 10% tổng thu NSNN (quá lớn so với tỷ lệ cho phép là 3-4%), có địa phương nợ thuế đến 20% thu ngân sách địa phương. 
Trong khi ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) đề nghị hết sức thận trọng trong thực hiện chính sách thu, giảm dần mức bội chi, giảm nợ công và quản lý chặt chẽ các khoản chi, không để chi vượt dự toán vì áp lực chi rất lớn thì ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) kiến nghị: “Cắt mạnh 10% chi thường xuyên trong dự toán NSNN năm 2015 để chi đầu tư phát triển và phải làm sao để xã hội tin rằng việc sử dụng các khoản vay hiệu quả, không lãng phí”.
Trước mâu thuẫn trong việc huy động vào ngân sách, khi 63 tỉnh thành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều khẳng định “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” yêu cầu nộp tiền đóng góp chung vào ngân sách “thì ai cũng than, kêu khó khăn”, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề nghị phải thể chế hóa cụ thể hơn về vấn đề huy động vào ngân sách, nhất là trong bối cảnh nhu cầu chi ngày càng tăng. 
Tổng thu cân đối NSNN dự kiến 911,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với ước thực hiện năm 2014. Tổng chi NSNN dự kiến 1.137,1 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với dự toán năm 2014. Trong đó, chi đầu tư phát triển 195 nghìn tỷ đồng, tăng 19,6%; chi trả nợ và viện trợ 150 nghìn tỷ đồng, tăng 25%; chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính 772 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6%; chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính 100 tỷ đồng, bằng năm 2014; dự phòng 25 nghìn tỷ đồng, tăng 30,2%. Bội chi NSNN là 226 nghìn tỷ đồng, bằng 5% GDP.
(Báo cáo của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và phương hướng năm 2015)

Đọc thêm