|
Tháng 8,9 đấu thầu trái phiếu liên tục thất bại. Tuy nhiên đợt phát hành ngày 7-10-2010 đã có 3.965 tỉ đồng trái phiếu được bán với lãi suất kỳ hạn ba năm còn 9,68%/năm.
Lãi suất bắt đầu giảm trên thị trường tiền tệ. Động thái đầu tiên là ngày 15-10-2010 một số ngân hàng cổ phần lớn và Vietcombank thông báo trần lãi suất huy động giảm từ mức cao nhất 11,2% xuống 11%/năm. Ngay sau đó, hàng loạt ngân hàng khác cũng giảm lãi suất tiết kiệm.
Các kỳ hạn tiền gửi ngắn như 1-3 tháng phổ biến còn 10,8-10,9%/năm. Vietcombank thậm chí còn tiến một bước xa hơn khi áp dụng lãi suất cho vay thấp nhất còn 11,5%/năm. Đây là mức lãi suất cho vay thấp nhất kể từ đầu năm được ghi nhận.
Động thái thứ hai là lãi suất trái phiếu giảm mạnh và khối lượng phát hành tăng vọt. Suốt trong tháng 8 và 9-2010 hầu như các phiên đấu thầu trái phiếu trên sàn Hà Nội thất bại, chỉ có ba đợt bán được cả thảy 1.500 tỉ đồng kỳ hạn năm năm, lãi suất 10,4%/năm. Tuy nhiên đợt phát hành ngày 7-10-2010 đã có đột biến khi 3.965 tỉ đồng trái phiếu được bán với lãi suất kỳ hạn 10 năm rớt xuống còn 10,8%/năm và kỳ hạn ba năm còn 9,68%/năm.
Chưa hết, một tuần sau đó đợt phát hành ngày 14-10 chứng kiến 5.470 tỉ đồng trái phiếu trong tổng số 6.000 tỉ đồng gọi thầu bán hết với lãi suất kỳ hạn ba năm tiếp tục giảm, còn 9,65%/năm. So với mức cao nhất hồi tháng 6 là 10,95%/năm, thì lãi suất trái phiếu kỳ hạn ba năm đã giảm 1,3%/năm; kỳ hạn năm và 10 năm giảm 1%/năm.
Trước đây, việc giảm lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng chỉ chịu sức ép nhất định của biện pháp hành chính là đồng thuận trong khuôn khổ Hiệp hội Ngân hàng nên khiến giới quan sát tỏ ra nghi ngờ. Nay mức tụt giảm của lãi suất trái phiếu đấu thầu đã xóa tan sự nghi ngờ đó. Lãi suất giảm, khối lượng phát hành tăng cho thấy nhu cầu trái phiếu của các tổ chức tài chính và ngân hàng đang cao.
Với lãi suất đầu vào 11%/năm, đầu ra 12-14%/năm, các ngân hàng hầu như không có lãi sau khi trừ chi phí, dự trữ bắt buộc, dự trữ thanh khoản và áp dụng tỷ lệ vốn cho vay/huy động tối đa 80% như quy định của Thông tư 13. Nhưng áp lực lợi nhuận phải đạt được trong quí 4 lại đang rất lớn, và ngân hàng không còn cách nào khác ngoài tăng cường kinh doanh trái phiếu.
Chừng nào lãi suất chiết khấu trên thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước còn ở mức 7-8%/năm, thì mua trái phiếu ngay cả ở mức 9%/năm, các ngân hàng vẫn còn lãi và họ vẫn còn tiếp cận trái phiếu.
Thực ra còn những lý do khác tạo thêm sức hút của trái phiếu đối với ngân hàng ở thời điểm này. Việc giải ngân nguồn vốn từ ngân sách để thanh toán cho các dự án, công trình đang và tiếp tục tăng trong hai tháng cuối năm, tạo điều kiện cho cung tiền vào lưu thông tăng lên.
Trong khi đó, nhu cầu vốn tiền đồng để trữ hàng cũng như nguyên vật liệu sản xuất cho cuối năm của doanh nghiệp năm nay dường như đang giảm.
“Mọi năm vào tháng 10 là nhu cầu vay vốn tiền đồng đã khá cao, song năm nay tương đối trầm lắng” - đại diện một ngân hàng cho biết - “Nếu sức mua và tiêu thụ hàng hóa tiêu dùng tháng 12 có đột biến, có thể doanh số cho vay sẽ tăng. Hiện tại, tín dụng vẫn chưa thấy có dấu hiệu bứt phá”.
Trong khi đó, cánh cửa liên ngân hàng đã mở sau khi tỷ lệ vốn vay trên thị trường này của một ngân hàng tối đa chỉ được bằng 20% vốn huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế bị vô hiệu hóa. Bây giờ để đáp ứng ngay yêu cầu thanh khoản, các ngân hàng đã có thể “chạy” lên thị trường liên ngân hàng mà không còn bị “cản chân”.
Dòng chảy vốn liên ngân hàng đã thông, thì những ngân hàng có tỷ lệ cho vay/vốn huy động dưới quy định 80% sẽ tìm cách để vốn khả dụng khỏi bị dư thừa. Trong bối cảnh đó, còn phương thức nào cải thiện hiệu quả sử dụng vốn tốt hơn và an toàn hơn trái phiếu?
Chừng nào lãi suất chiết khấu trên thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước còn ở mức 7-8%/năm, thì mua trái phiếu ngay cả ở mức 9%/năm, các ngân hàng vẫn còn lãi và họ vẫn còn tiếp cận trái phiếu.
Đã khá rõ ràng là lãi suất trái phiếu sẽ còn giảm thêm, nhưng giảm đến mức nào thì khó dự đoán. Trước mắt, mức độ giảm của lãi suất trái phiếu sẽ phụ thuộc vào lạm phát. Trong trường hợp lạm phát năm nay là 8-9%, lãi suất trái phiếu sẽ khó thấp hơn 9%/năm. Ít nhất lãi suất trái phiếu phải cao hơn lạm phát.
Một yếu tố khác tác động đến lãi suất trái phiếu là nhu cầu phát hành của ngân sách. Sau hai đợt phát hành của tháng 10 bán được tổng cộng 9.435 tỉ đồng, có lý do để tin rằng Kho bạc Nhà nước sẽ không vội vã gọi thầu thêm ngay trái phiếu. Hoặc nếu Kho bạc gọi thầu, trần lãi suất chắc chắn sẽ hạ. Hàng hóa càng nhiều người mua thì giá phải càng đắt. Lãi suất trái phiếu cũng không đi ra ngoài quy luật ấy.
Như vậy, những động lực khởi động việc hạ thấp mặt bằng lãi suất nói chung đã phát tín hiệu. Cái mà thị trường tài chính đang chờ đợi là đo lường tốc độ hạ lãi suất, nó đến nhanh hay chậm, dồn dập hay từ từ, với mọi bình diện hay chỉ ở một số góc độ nào đó.
Sự đo lường này không dễ và lại càng khó chính xác vì nó đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải gánh chịu “hy sinh” là giảm bớt lợi nhuận và san sẻ lợi nhuận có được cho doanh nghiệp. Mà ngân hàng không đạt được chỉ tiêu lợi nhuận, ai sẽ tháo gỡ cho họ áp lực của cổ đông?
Có lẽ vì sự đo lường khó khăn này mà mới đây Chính phủ đã yêu cầu NHNN nghiên cứu biện pháp rút tiền nhanh ra khỏi lưu thông khi cần thiết. Biện pháp đề phòng như thế là chính đáng và không thể không có.
TBKTSG