Nhiều ý kiến kì vọng rằng, nếu tiền để trong ngân hàng sinh lời ít hơn, người dân sẽ chuyển sang đầu tư BĐS. Nhưng thực tế, dù lãi suất hạ, thì nguồn tiền cho BĐS vẫn đang rất khó khăn.
|
Ảnh minh họa. |
Cổ phiếu BĐS không giữ được sức hút
Trong 10 ngày đầu tháng 3/2012, với nhiều tin đồn tích cực về chính sách của nhà nước đối với thị trường BĐS như nhà nước sẽ mua một số dự án BĐS, các bộ ngành hữu quan đang tính toán chuyện nới vốn cho thị trường, hoạt động M&A tấp nập với sự tham gia của ngày càng nhiều các nhà đầu tư nước ngoài…, khiến cho nhiều cổ phiếu ngành BĐS tăng giá khá ngoạn mục, nhất các cổ phiếu có trị giá thấp.
Cổ phiếu Cty CP BĐS Du lịch Ninh Vân Bay (NVT) không có phiên nào giảm hay đứng giá, tăng từ 2.700 đồng/cổ phiếu lên 3.300 đồng/ cổ phiếu, mặc dù năm 2011, NVT thua lỗ hơn 70 tỉ đồng. Cổ phiếu SC5 (Cty CP Xây dựng số 5) đã cán mức 19.600 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch 9/3. Cổ phiếu Cty CP Vạn Phát Hưng (VPH) cũng liên tục tăng giá trong suốt 15 phiên giao dịch, từ 3.900 đồng/cổ phiếu vọt lên 6.800 đồng/cổ phiếu.
Các cổ phiếu TDH (Cty CP Phát triển Nhà Thủ Đức), HAG (Cty CP Hoàng Anh Gia Lai), SD8 (Sông đà 8), PHC (Phục Hưng Holdings) cũng có nhiều phiên xanh sàn…
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, giá cổ phiếu BĐS có biến động đi lên không phải là động thái nhà đầu tư quan tâm hơn tới thị trường BĐS, mà là do các nhà đầu tư chứng khoán tranh thủ lúc thị trường sôi động “làm giá” để bán ra thu hồi vốn.
Một luồng ý kiến khác cho rằng, do một số cổ phiếu BĐS có giá quá thấp, chủ doanh nghiệp lo sợ bị thâu tóm nên đã tung tiền ra thu gom cổ phiếu của chính mình để tăng thêm tỉ lệ nắm giữ cổ phần nhằm phòng thủ từ xa. Mặt khác, đối tượng muốn thâu tóm cũng gia tăng sức mua nên giá cổ phiếu BĐS trị giá nhỏ có thể tiếp tục đi lên.
Tiền chưa đi từ ngân hàng sang BĐS
Theo giới phân tích, trong năm 2012, thị trường BĐS vẫn chưa thể khởi sắc bởi tín dụng dành cho BĐS vẫn bị siết chặt. Trong khi đó, nếu thực hiện động thái mua lại dự án BĐS, Nhà nước chỉ mua lại các dự án BĐS đang được thế chấp tại các NH yếu kém. Tức là sau khi kiểm soát được các NH yếu kém vào cuối năm 2012, Nhà nước mới tiến hành từng bước việc mua tài sản, trong đó có bất động sản mà khách hàng đã thế chấp tại các NH này.
Đối với khách hàng cá nhân, trong bối cảnh thị trường phức tạp, điều họ quan tâm là bảo toàn đồng vốn, vì thế dù lãi suất huy động có giảm chút ít thì người dân cũng không rút tiền đầu tư vào BĐS. Nhất là, trong khi thị trường khó khăn, nhiều dự án BĐS đã “lộ” ra sự thật về tình trạng pháp lý, khiến cho các vụ tranh chấp trên thị trường ngày càng nhiều.
Còn nhớ, năm trước, các ngân hàng đã rất vất vả khi thu hẹp room tín dụng BĐS. Vì thế, năm nay, khi chỉ tiêu tín dụng chỉ được giao ở mức 15 – 17%, nguồn tiền ngân hàng dành cho BĐS càng ít hơn nữa. Mặt khác, lãi suất giảm nhưng các ngân hàng vẫn rất thận trọng trong các khoản vay BĐS, chỉ cho vay mua nhà đối với người có nguồn trả nợ (chiếm không nhiều), nên chưa có tác động rõ rệt làm thị trường khởi sắc.
Bình luận về việc nhiều ngân hàng hạ lãi suất cho vay trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Cty Địa ốc Đất Lành nhận định: “Đối với thị trường BĐS, giảm lãi suất không giúp thị trường này vực dậy. Giảm lãi suất nhưng ngân hàng không tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay thì cũng là con số không. Lãi suất đã tăng quá cao rồi nên việc giảm 1-2% cũng không đáng là bao. Bài toán quan trọng cho doanh nghiệp BĐS hiện nay là cần tiền. Miễn là tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng thì lãi suất cao bao nhiêu doanh nghiệp cũng chịu được”.
Đồng quan điểm với ông Đực, ông Nguyễn Lịch, một chủ đầu tư, phân tích, doanh nghiệp BĐS đang phải “đắp chiếu” các dự án đang thi công dang dở, vì thế bây giờ họ cần tiền để hoàn thành càng nhanh càng tốt, sau đó đẩy hàng đi để thu tiền trang trải. Nếu không có tiền tiếp tục hoàn thành dự án, dự án càng để lâu thì số tiền chủ đầu tư phải trả lãi ngân hàng càng cao, chưa tính chi phí điều hành, họ sẽ ngày càng “khát” vốn trầm trọng và nguy cơ phá sản sẽ càng lớn hơn.
Bách Nguyễn