Thực hiện lộ trình giảm lãi suất (LS) huy động và LS cho vay ở các ngân hàng TMCP, tiến tới mức LS huy động còn 10%/năm như Chính phủ đề ra, trong thời gian qua, hầu hết các NHTM đồng loạt rút LS huy động VND xuống mức 11,2%/năm ở các kỳ hạn. LS cho vay vốn sản xuất, kinh doanh cũng hạ dần về khoảng 12,5% - 15%/năm, tùy theo các nhóm đối tượng và chính sách ưu đãi.
Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đã thực hiện xong lộ trình hạ LS huy động VND về mức 11%/năm. |
Đặc biệt là với đối tượng cho vay là các doanh nghiệp xuất khẩu đã có NH hạ xuống 12%/năm, thậm chí đã có NH áp dụng mức LS cho vay thấp hơn 12%/năm. Về LS tiền gửi, các NH cũng đã thống nhất từ ngày 5-7 điều chỉnh giảm LS huy động xuống khoảng 11%/năm, không cộng thêm bất kỳ các hình thức thưởng trực tiếp bằng tiền hay LS, phấn đấu trong tháng 9-2010, mức LS huy động điều chỉnh xuống còn 10%/năm. Thế nhưng trên thực tế, đến ngày 17-9, LS huy động và cho vay ở các NHTMCP vẫn còn ở mức cũ. Thậm chí có thông tin cho rằng LS này trong thời gian tới sẽ tăng chứ khó giảm tiếp được, bởi giảm tiếp, thuận lợi thì ít, mà khó khăn thì nhiều.
Theo nhận định từ lãnh đạo các NH, việc hạ LS về mức 10% trong tháng 9 sẽ khó đạt bởi: Theo quy định tại Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20-5-2010 của Ngân hàng Nhà nước (có hiệu lực thi hành từ 1-10-2010) thì tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ được sử dụng nguồn vốn huy động để cấp tín dụng với điều kiện trước và sau khi cấp tín dụng đều bảo đảm tỷ lệ khả năng chi trả và các tỷ lệ bảo đảm an toàn khác quy định tại thông tư này, với tỷ lệ không vượt quá 80% đối với NH, hoặc 85% đối với các TCTD phi ngân hàng. Trong khi đó, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu được nâng từ mức trên 8% lên mức trên 9%.
Mặt khác, cũng theo quy định tại Thông tư này, nguồn vốn huy động để cho vay không bao gồm phần tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế, Kho bạc Nhà nước, bảo hiểm xã hội..., trong khi theo tính toán của các NHTM, tỷ lệ huy động tiền gửi không kỳ hạn dưới dạng này chiếm vào khoảng 15% tổng nguồn vốn huy động. Như vậy, cộng cả 2 khoản này, NH chỉ còn lại khoảng 60% số tiền huy động được để cho vay. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chi phí hoạt động của NH tăng lên và buộc các NH phải tăng LS cho vay, dẫn đến tăng LS huy động và cuối cùng là giảm cung ứng tín dụng.
Đó là chưa kể đến sự biến động liên tục của giá vàng, tỷ giá USD, bất động sản, chứng khoán… cũng khiến cho nhiều NH xem xét lại việc có tiếp tục giảm LS như đã được đồng thuận? Thực tế thị trường hiện nay cho thấy, việc điều chỉnh giảm LS là rất khó, các NH phải tuân theo diễn biến của thị trường. Đồng thời, thông thường khoảng thời gian cuối năm là dịp các NH hay tăng LS huy động để bảo đảm tính thanh khoản cao.
Lãnh đạo một NHTMCP cho rằng, tăng LS vượt mặt bằng cam kết có nghĩa các NH đang chịu sức ép lớn trong huy động vốn. Nếu như một số NH nhỏ tăng huy động còn có thể lý giải là do khó khăn thanh khoản tạm thời nhưng nếu nhiều NH lớn cũng có mặt trong việc tăng LS sẽ cho thấy NH đang gặp khó khăn huy động vốn đầu vào để cho vay.
Bài và ảnh: Phương Uyên