Cảm nhận chung của nhiều doanh nghiệp là việc hạ lãi suất cho vay của ngân hàng chỉ như một sự “an ủi” khách hàng và “hãy đợi đấy”. Lãi suất sẽ tiếp tục giảm, song phải chờ đến khi huy động được nguồn vốn giá rẻ đủ để cân đối cung cầu.
Đầu vào chưa ổn định
Đến cuối tháng 7, hầu hết chi nhánh ngân hàng Agribank Hải Phòng, Techcombank Hải Phòng, BIDV Hải Phòng, SHB Hải Phòng, Maritime Bank Hải Phòng…đều áp dụng mức lãi suất cao nhất còn 11,2%/năm, giảm 0,3% so với cuối tháng 6. Tại một số kỳ hạn dưới 6 tháng hoặc hơn 12 tháng, mức lãi suất hạ thấp hơn. Nhìn chung, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố vẫn tăng, nhưng theo nhiều lãnh đạo ngân hàng, đầu vào vẫn chưa ổn định. Tại một số ngân hàng, nguồn tiền gửi tiết kiệm dân cư và tổ chức dường như chững lại hoặc giảm so với đầu năm hoặc một số tháng trước. Ngân hàng tăng huy động vốn là Agribank Hải Phòng, với hơn 734 tỷ đồng; BIDV Hải Phòng tăng 300 tỷ đồng, Maritime bank Hải Phòng tăng 200 tỷ đồng, SHB Hải Phòng tăng 87,38%, một số chi nhánh ngân hàng mới thành lập huy động được lượng vốn khá như Vietnam Tinnghia Bank, Ocsean bank Hải Phòng…
|
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Habubank (Chi nhánh Hải Phòng). Ảnh: Duy Thính |
Người dân ngày càng có nhiều cơ hội lựa chọn các kênh đầu tư nên tiền gửi tiết kiệm không còn là kênh đầu tư phổ biến như trước đây. Thị trường bất động sản thành phố nóng” lên từ đầu năm đến nay đem lại lợi nhuận 20-30% thậm chí có nơi tới 50% cho người kinh doanh bất động sản khiến cho những người có nguồn vốn lớn muốn đầu tư vào lĩnh vực này hơn là gửi tiền tiết kiệm. Các nguyên nhân khác là thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp, trong đó có cả các ngân hàng rầm rộ tăng vốn điều lệ, đầu tư…Điều này dẫn đến nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng chưa dồi dào nên lãi suất huy động vốn giảm chậm.
Đầu ra chưa thoáng
Việc huy động vốn chưa dồi dào khiến đầu ra cũng không được thoáng. Theo một số ngân hàng TMCP, lãi suất cho doanh nghiệp vay sản xuất kinh doanh đã hạ xuống nhưng phổ biến vẫn ở mức 14-15%/năm. Đối với một số khách hàng mới, khách hàng chưa được xếp hạng tín dụng tốt, mức lãi suất cho vay còn cao hơn. So với thời điểm cao nhất, lãi suất huy động vốn hạ được khoảng 3-4%/năm. So với tháng trước, lãi suất huy động vốn hạ được khoảng 1%/năm. Một số ngân hàng cho vay với lãi suất khá ưu đãi khoảng 12-13,5%/năm, nhưng chỉ với nhóm khách hàng “ruột” có xếp hạng tín dụng tốt, quan hệ lâu năm với ngân hàng. BIDV Hải Phòng cho vay sản xuất 12-14%/năm; Agribank Hải Phòng cho vay 12-14,5%/năm; Maritime bank Hải Phòng cho vay 13,5%-16%/năm...
Như vậy, để đạt được mức lãi suất phổ biến đối với vốn huy động 10%/năm, lãi suất cho vay 12%/năm như chỉ đạo của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, các ngân hàng sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Cùng hỗ trợ các ngân hàng thương mại, lãi suất trái phiếu Chính phủ gần đây cũng giảm đến 10,3%. NHNN tăng lượng tiền bơm ra trên thị trường mở, tạo điều kiện cho lãi suất tín dụng hạ thấp thêm. Doanh nghiệp mong chờ lãi suất cho vay tiếp tục hạ hơn nữa để có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.
Đến cuối tháng 7, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố ước 47.000 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ cho vay bằng VNĐ 34.300 tỷ đồng, tăng 28%, cho vay bằng ngoại tệ quy đổi 12.700 tỷ đồng, tăng 9,3%. Trong tổng dư nợ cho vay ngoại tệ, cho vay ngắn hạn 4.800 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ và chiếm 37,8% trong tổng dư nợ ngoại tệ quy đổi. Một số chi nhánh ngân hàng có dư nợ cho vay tăng là BIDV Hải Phòng tăng 200 tỷ đồng; Agribank Hải Phòng tăng 322 tỷ đồng…Các chi nhánh ngân hàng không tăng dư nợ tín dụng là Techcombank Hải Phòng, Maritime bank Hải Phòng… |
Mai Hương