Lãi suất ngân hàng tăng, doanh nghiệp thêm gặp khó

Sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố mức lãi suất cơ bản huy động tiết kiệm là 14%, hiện mặt bằng lãi suất chung của các ngân hàng ở mức 17,5-17,8%/năm. Ngân hàng Nhà nước khống chế tiền cho vay ở mức 21%/năm và không được thu thêm bất kỳ khoản phí gì, bởi  vậy, lãi suất cho vay giảm hoặc không tăng so với trước. Song doanh nghiệp  không thấy phấn khởi, bởi họ càng khó vay tiền hơn.

Tiền chạy lòng vòng

 

Qua mỗi đợt ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, số lượt người đến ngân hàng lại đông rộ lên. Thực chất, nguồn tiền gửi tăng không nhiều, mà phần nhiều người dân rút tiền từ ngân hàng có mức lãi suất thấp gửi sang ngân hàng có mức lãi suất cao hơn. Như vậy, tiền chỉ chạy lòng vòng từ ngân hàng nọ sang ngân hàng kia. Chị Hoa, công tác tại Ngân hàng cổ phần H. cho biết, trong những tháng trước, khi ngân hàng huy động lãi suất tiết kiệm ở mức 15% áp dụng cho kỳ hạn từ 1 tháng trở lên, lượng khách hàng đến gửi tiền tăng vọt, nhưng nay, khi ngân hàng huy động lãi suất tới hơn 17%/năm, lượng người đến gửi không tăng nhiều. Ngân hàng vẫn không huy động đủ lượng tiền cần thiết để đáp ứng nhu cầu cho vay.

Tương tự đối với một chi nhánh của Ngân hàng M., lãi suất tiền gửi tăng lên, nhưng lượng khách đến rút tiền nhiều hơn lượng khách gửi vào, do lãi suất của ngân hàng này chưa hấp dẫn bằng một số ngân hàng khác. Theo số liệu của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hải Phòng, trong 6 tháng đầu năm, tổng nguồn vốn tín dụng huy động trên địa bàn thành phố chỉ tăng 8% so với đầu năm và tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Do lượng tiền huy động có hạn, nhiều ngân hàng chọn giải pháp chỉ ưu tiên cho vay đối với một số doanh nghiệp họ biết chắc là làm ăn có lãi và trả cổ tức cao hơn 20% trở lên như Công ty cổ phần Sơn, Công ty TNHH VICO, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong...

 

Doanh nghiệp gặp khó khăn

Chị Mai, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần vận tải P. bức xúc : "Chúng tôi làm thủ tục vay vốn ngân hàng từ cuối năm ngoái để mua một chiếc tàu biển trị giá hơn 20 tỷ đồng và đặt tiền cọc 500 triệu đồng cho chủ tàu. Lúc đó, ngân hàng hứa hẹn cho vay tiền. Nhưng nay, việc cho vay khó khăn hơn và nếu có vay được phải trả lãi suất rất cao, kinh doanh không thể có lãi. Tình hình này có thể chúng tôi đành chịu mất tiền đặt cọc chứ không dám mua tàu nữa”.

Ông Mai Văn Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Bao bì PP, cho biết, hạn mức vốn cho vay lưu động của công ty giảm từ 70 tỷ đồng xuống 20 tỷ đồng, làm công ty gặp nhiều khó khăn. Nếu tình hình không được cải thiện, trong những tháng tới, công ty buộc phải giảm nhập khẩu nguyên liệu và như vậy, sản xuất bị chững lại, dẫn đến khan hiếm hàng hóa. Hiện công ty đang thực hiện dự án nhà máy giấy Kraft tại huyện An Lão, trong đó, phần vay vốn ngân hàng chiếm 50% giá trị dự án. Tình hình khan hiếm tiền mặt của ngân hàng có thể ảnh hưởng tới dự án.

Ông Nguyễn Mộng Lân, Tổng giám đốc Công ty TNHH VICO, cho biết, công ty hiện đang vay ngân hàng 3 hạn mức: trung hạn, ngắn hạn và dài hạn. Do lãi suất tiền gửi tăng, ngân hàng đề nghị tăng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Song, nếu vay với lãi suất 21% trở lên, doanh nghiệp sẽ khó khăn. Bởi vậy, doanh nghiệp đang phải tính toán lại, giảm dần nguồn vốn vay ngân hàng và bán hàng đến đâu, thu tiền đến đó để mua vật tư. Điều này cũng có nghĩa là sản xuất có thể giảm sút so với trước.            

Một số doanh nghiệp khác có công trình, dự án dự định khởi công trong năm nay phải tạm dừng lại do giá nguyên vật liệu tăng cao và khó vay vốn ngân hàng.

 

Chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước

Theo chỉ đạo chung của Ngân hàng Nhà nước, việc tăng lãi suất tiền gửi là cần thiết, nhằm bảo đảm lãi suất tiền gửi của người dân thực "dương" so với tình hình trượt giá. Việc các ngân hàng thắt chặt cho vay do dư nợ tín dụng tới cuối năm 2007 vừa qua tăng trưởng quá "nóng". Trong 6 tháng đầu năm nay, dư nợ tín dụng cho vay tiếp tục tăng 28% so với đầu năm. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước có một số chính sách như hạn chế cho thành lập các ngân hàng mới và sáp nhập một vài ngân hàng yếu vào các ngân hàng mạnh, để hỗ trợ lẫn nhau và giảm các chi phí khi thành lập quá nhiều chi nhánh và phòng giao dịch.

Để khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp, ngân hàng xem xét kỹ các dự án cho vay, nếu dự án thật sự có hiệu quả cần hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ là hạn mức vay mà cả lãi suất vay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần rà soát lại các khoản vay và giảm bớt các khoản chưa thật cần thiết, đồng thời có chiến lược kinh doanh dựa vào nguồn vốn tự có là chính, ngân hàng chỉ hỗ trợ những khoản "thiếu". Hiện nay, có tình trạng nhiều doanh nghiệp hoạt động không có vốn mà dựa hoàn toàn vào nguồn vốn của ngân hàng, do vậy, khi "bầu sữa" bị cắt là lâm vào tình trạng khó khăn. Thực tế, các doanh nghiệp vay vốn ít hoặc không vay vốn ngân hàng hầu như không ảnh hưởng nhiều khi ngân hàng tăng hoặc giảm lãi suất. Các ngân hàng thương mại cũng sẽ phải tính toán lại hiệu quả kinh doanh để có thể duy trì ổn định và phát triển bền vững.

 

Mai Hương

Đọc thêm