Lãi suất USD Việt Nam cao gấp 10 lần thế giới

Trước áp lực nhu cầu vốn ngoại tệ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu những tháng cuối năm, một số ngân hàng liên tiếp tăng lãi suất huy động USD lên mức 4,6%/năm. Chính điều này đã đẩy mặt bằng lãi suất USD tại Việt Nam cao gấp 10 lần so với thế giới.

Trước áp lực nhu cầu vốn ngoại tệ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu những tháng cuối năm, một số ngân hàng liên tiếp tăng lãi suất huy động USD lên mức 4,6%/năm. Chính điều này đã đẩy mặt bằng lãi suất USD tại Việt Nam cao gấp 10 lần so với thế giới.

Liên tiếp tăng lãi suất huy động USD

Khảo sát mặt bằng lãi suất USD từ một số ngân hàng trên địa bàn Hà Nội cho thấy, lãi suất huy động USD hiện dao động quanh ngưỡng 4,5% - 4,6%/năm.

Lãi suất huy động USD liên tục tăng (ảnh: QĐ).
Lãi suất huy động USD liên tục tăng (ảnh: QĐ).
Điển hình như Ngân hàng Quân đội (MB), lãi suất huy động USD kỳ hạn 12 và 24 tháng duy trì ở mức 4,4%/năm, tăng khoảng 0,1% - 1,34%/năm so với biểu lãi suất cũ; Sau khi tăng thêm 0,05% - 0,25%/năm, lãi suất huy động USD tại Ngân hàng Á Châu (ACB) đạt mức 4,7%/năm.

Và theo công bố từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), kể từ hôm nay 15/9, khách hàng gửi USD tham gia chương trình “Gửi USD hưởng lãi suất cao”, chọn định kỳ rút gốc, lãi và điều chỉnh lãi suất 3 tháng 4,75%/năm, 6 tháng được hưởng lãi suất hấp dẫn lên đến 4,95%/năm.

Eximbank cũng là ngân hàng có các lần điều chỉnh lãi suất USD nhiều nhất, kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng giữa VND/USD lên thêm hơn 2%.

Và dẫn đầu mức lãi suất huy động ngoại tệ bằng USD trên thị trường hiện nay phải kể đến Ngân hàng An Bình (ABBank), khách hàng gửi tiền với kỳ hạn 60 tháng được hưởng lãi suất 5,6%/năm.

Theo trang Laisuat.vn, lãi suất USD của 37 ngân hàng mà trang này thống kê đang có dấu hiệu tăng nhẹ, dao động từ 3,5% đến 5%/năm lĩnh lãi cuối kỳ áp dụng đối với cá nhân, mức chênh lệch giữa các kỳ hạn ngắn - trung và dài hạn trung bình là 1,5%, mức huy động cao nhất đang thuộc về các ngân hàng SCB, SeABank, HDBank, PGBank, ABBank…

Đại diện một số ngân hàng cho biết, họ điều chỉnh tăng lãi suất USD trong thời gian này nhằm thu hút người gửi tiền, cạnh tranh thị phần huy động và quan trọng hơn là đáp ứng nhu cầu vay ngoại tệ của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Với những cuộc đua tăng này, mặt hàng lãi suất huy động USD tại Việt Nam đang cao gấp khoảng 10 lần so với thế giới. Hiện tại, lãi suất huy động USD kỳ hạn 3 tháng ở thị trường quốc tế chỉ từ 0,25% - 0,35%/năm.

Cần trọng với biến động của tỷ giá

Theo tính toán, khi lãi suất đầu vào bằng USD lên mức 5%/năm, thì lãi suất đầu ra sẽ ở vào ngưỡng từ 6% - 7%/năm. Một số doanh nghiệp cho biết, đây mà mức lãi suất mà họ chịu đựng được, khi so với lãi suất vay vốn bằng VND. Hiện, với mức lãi suất cho vay tiền đồng ngắn hạn khoảng 13% - 15%/năm, doanh nghiệp có thể chấp nhận vay USD ở mức 6% - 8%/năm, kèm biến động tỷ giá.

Anh Thành, chủ một công ty xuất nhập khẩu mặt hàng hoa quả chia sẻ: “Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu như chúng tôi sợ nhất là sự biến động của tỷ giá. Dù chúng tôi đang vay USD để có nguồn ngoại tệ trao đổi hàng hóa với các đối tác nước ngoài, nhưng vẫn không ngừng lo lắng”.

Dù mức lãi suất cho vay USD hiện nay doanh nghiệp có thể chấp nhận được và xét trên thực tế, nhu cầu vay vốn của họ vẫn cao, thì nỗi lo về biến động tỷ giá luôn hiện hữu.

Sự biến động của USD cuối năm 2008 khi giá USD có lúc đạt mức 20.000 VND/USD đã trở thành “bài học đắt giá” với không chỉ doanh nghiệp mà cả nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường ngoại tệ.

Và gần đây nhất, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá bình quân lên thêm gần 2,1%, từ mức 18.544 VND lên mức 18.932 VND/1 USD cũng đã gây không ít bất ngờ cho doanh nghiệp.

An Hạ

Dân Trí

Đọc thêm