Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 523 Bộ luật dân sự 2015 thì vé xe khách mà bạn mua tại bến xe đây là bằng chứng của việc giữa bạn và chủ xe khách đã giao kết hợp đồng vận chuyển hành khách.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ xe đối với bạn trong trường hợp này được căn cứ tại Điều 528 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
“1. Trường hợp tính mạng, sức khỏe và hành lý của hành khách bị thiệt hại thì bên vận chuyển phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Bên vận chuyển không phải bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và hành lý của hành khách nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của hành khách, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Trường hợp hành khách vi phạm điều kiện vận chuyển đã thỏa thuận, quy định của điều lệ vận chuyển mà gây thiệt hại cho bên vận chuyển hoặc người thứ ba thì phải bồi thường.”
Như vậy, bạn bị thương do tài xế ngủ gật và bị mất tay lái gây tai nạn thì sẽ được chủ xe bồi thường thiệt hại.
Mức bồi thường có thể do bạn và chủ xe tự thỏa thuận với nhau. Nếu không thỏa thuận được thì bạn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Có thể xảy ra các trường hợp sau:
* Nếu hành vi ngủ gật của tài xế có dấu hiệu của tội phạm và bị khởi tố, xử lý về hình sự thì bạn nộp đơn yêu cầu bồi thường trực tiếp đến cơ quan đang tiến hành giải quyết (công an, viện kiểm sát hoặc tòa án). Việc giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại của bạn có thể được tiến hành cùng lúc với việc giải quyết vụ án hình sự theo quy định tại Điều 30 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành.
* Nếu hành vi nêu trên của tài xế chưa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bạn có thể gửi đơn khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có trụ sở của hãng xe; nơi chủ xe cư trú; nơi bạn cư trú hoặc nơi xảy ra tai nạn (theo Điều 26, 33, 35, 36, 39, 40 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015)
Thiệt hại trong trường hợp sức khỏe bị xâm phạm được quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự như sau:
“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”