Lại xuất hiện xây nhà trái phép

Dự án xây dựng tuyến đường Hoàng Văn Thái nối dài lên Khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ (đoạn qua thôn Đại La, Phú Hạ, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) được công bố quy hoạch vào sáng ngày 5-10-2010, thế nhưng trước đó vào nửa đầu tháng 9 đã có nhiều hộ gia đình ở thôn Đại La đi vay, mượn tiền xây nhà nhằm “đi tắt đón đầu” dự án để trục lợi. UBND huyện Hòa Vang và xã Hòa Sơn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng đua nhau xây nhà không phép và trái phép nhưng vẫn không vãn hồi tình hình.

Dự án xây dựng tuyến đường Hoàng Văn Thái nối dài lên Khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ (đoạn qua thôn Đại La, Phú Hạ, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) được công bố quy hoạch vào sáng ngày 5-10-2010, thế nhưng trước đó vào nửa đầu tháng 9 đã có nhiều hộ gia đình ở thôn Đại La đi vay, mượn tiền xây nhà nhằm “đi tắt đón đầu” dự án để trục lợi. UBND huyện Hòa Vang và xã Hòa Sơn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng đua nhau xây nhà không phép và trái phép nhưng vẫn không vãn hồi tình hình.

Phá cây… xây nhà trái phép

Mô tả ảnh.
Rất nhiều ngôi nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở thôn Đại La (Hòa Sơn).

Cùng đi với đoàn kiểm tra của huyện Hòa Vang vào sáng ngày 4-10, chúng tôi chứng kiến hàng chục ngôi nhà mới xây dở dang mọc lên trên các thửa đất nông nghiệp dọc tuyến đường được quy hoạch xây dựng. Theo ông Trần Kim Đính, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, trước khi có dự án này, toàn bộ đất nơi đây là đất nông nghiệp và lâm nghiệp, người dân chỉ trồng cây sắn cùng các hoa màu khác. Sau khi biết tin có tuyến đường đi qua, nhà nhà trong thôn đua nhau tập kết vật liệu, xây nhà và các công trình phụ ào ạt, vượt quá tầm kiểm soát của địa phương. Theo thống kê của cán bộ địa chính xã Hòa Sơn, hiện nay toàn bộ tuyến đường theo thiết kế dài gần 2km qua địa phận thôn Đại La đã có 55 trường hợp xây nhà không phép và trái phép; trong đó có 47 ngôi nhà và 8 công trình phụ.

Trả lời câu hỏi: Tại sao chưa công bố quy hoạch mà người dân địa phương lại biết chi tiết dự án xây dựng tuyến đường này, ông Phạm Xem, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết: Hiện nay chính quyền địa phương vẫn chưa có bản thiết kế tuyến đường, chỉ biết chung chung về dự án, thế nhưng bản đồ phác thảo chi tiết con đường lại có trong tay của nhiều người dân. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số 52 gia đình xây liều tại đây có hai trường hợp là người ở ngoài địa phương; đó là ông Đ.B và Đ.V.H (cùng trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu). Hai ông này là người của đơn vị thiết kế dự án. Trong quá trình lên phóng tuyến, cắm mốc, thông tin về dự án đã được phổ biến rộng rãi trong nhân dân.

Thậm chí người dân còn phao tin đồn: cứ xây dựng trên 200 ngôi nhà thì ngành chức năng không thể cưỡng chế nổi (!!!?). Chính vì vậy chỉ trong thời gian ngắn, diện tích đất trồng cây đã bị đốn hạ, thay vào đó là hàng loạt ngôi nhà cùng tường rào, chuồng trại mọc lên san sát mà không có trường hợp nào được UBND xã cấp giấy phép xây dựng; trong đó có 20 ngôi nhà xây dựng trên đất nông nghiệp. Điều đáng nói, Đại La là thôn khó khăn nhất của xã Hòa Sơn, vậy người dân lấy tiền đâu để “đầu tư”, như hộ ông Phạm Tại xây 3 nhà, Lê Văn Chiến xây 2 nhà? Theo ông Lê Văn Cừ, cán bộ địa chính xã Hòa Sơn, trong số các gia đình xây nhà trái phép tại đây không có trường hợp nào vay tiền ngân hàng. Vì các thủ tục phải được xã xác nhận nên khả năng những hộ nghèo chỉ có cách đi vay nóng về xây “liều”.

Nỗ lực chống xây “liều”

Theo ông Đặng Khá, Đội trưởng Đội Kiểm tra quy tắc đô thị huyện Hòa Vang, ngày 17-9, đội đã phát hiện 2 trường hợp xây nhà không phép tại thôn Đại La và yêu cầu xã Hòa Sơn nhanh chóng có biện pháp nghiêm khắc ngăn chặn sớm để răn đe các gia đình khác, thế nhưng đề nghị này đã bị xã Hòa Sơn khước từ vì lý do họ mới xây làm sao tháo dỡ. Thay vào đó, chính quyền địa phương cử cán bộ xuống tuyên truyền, vận động, yêu cầu mọi người dân đình chỉ thi công và thành lập tổ chốt chặn, kiểm tra các phương tiện vận chuyển vật liệu vào thôn. Thế nhưng, do lực lượng mỏng lại bố trí kiểm tra, theo dõi nhiều dự án nên xã không thể kiểm soát nổi tình hình xây nhà trái phép tại đây. Kết quả là chỉ trong vòng 4 ngày cuối tháng 9 đã có 55 trường hợp vi phạm trên lĩnh vực xây dựng.

“Chúng tôi sẽ phối hợp ra quân cưỡng chế 20 nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại tuyến đường này. Những hộ khác yêu cầu tự tháo dỡ và sẽ có biện pháp mạnh để mọi người chấp hành”, ông Xem cho biết. Dù vẫn biết, cưỡng chế là biện pháp cuối cùng để các hộ dân chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Thế nhưng, nếu ngay từ đầu xã Hòa Sơn chú trọng công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đất đai, xây dựng và có biện pháp răn đe thì có lẽ sẽ không xảy ra tình trạng xây nhà trái phép. Hy vọng, bài học đắt giá từ “xây liều” thuộc dự án Nâng cấp và mở rộng tuyến đường ĐT 602, Nghĩa trang thành phố mở rộng (giai đoạn 4) và tuyến đường Hoàng Văn Thái nối dài trên địa bàn xã Hòa Sơn sẽ làm thức tỉnh những tính toán, vụ lợi, phạm pháp của những gia đình tại các địa điểm quy hoạch.

Bài và ảnh: Hạ Sơn

Đọc thêm