Làm bị can suốt 20 năm

Gần 20 năm sống trong thân phận bị can, ông Nguyễn Đình Nhu (sinh năm 1963, ngụ thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) vẫn miệt mài gõ cửa các cơ quan pháp luật của thành phố Cần Thơ để xin được… xét xử.

Gần 20 năm sống trong thân phận bị can, ông Nguyễn Đình Nhu (sinh năm 1963, ngụ thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) vẫn miệt mài gõ cửa các cơ quan pháp luật của thành phố Cần Thơ để xin được… xét xử. Vụ án “buôn lậu” mà ông là đồng phạm cùng 4 bị can đã được cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hậu Giang (gọi tắt là cơ quan Điều tra) khởi tố và ra bản Kết luận Điều tra số 18, ngày 28/8/1991 rồi bị lãng quên cho đến nay.Mỏi mòn chờ xét xử Ngày 15/12/1990 vẫn in hằng trong tâm trí ông Nhu. Đó là ngày ông bị cơ quan Điều tra bắt giam vì tội buôn lậu. Toàn bộ tài sản gồm 2 chiếc xe ô tô và 2,8 lượng vàng 24k bị tịch thu, căn nhà trên đường Hùng Vương (phường Thới Bình, tỉnh Hậu Giang, nay là thành phố Cần Thơ) bị niêm phong. Đến tháng 8/1991, tại trại giam Long Tuyền, ông Nhu nhận được bản Kết luận Điều tra truy tố ông về hành vi buôn lậu vì mua chiếc xe ô tô hiệu Taibot của một người Campuchia (là bị can đầu vụ) nhập lậu vào Việt Nam. Và gần 1 năm sau, ngày 5/5/1992, thay vì nhận được Cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát và Quyết định đưa vụ án ra xét xử của tòa án thì ông lại được thông báo trả tự do “lụi”. Từ đây, hành trình đi tìm lại thân phận công dân của ông Nhu bắt đầu. Nhưng, gần 20 năm qua, ông chỉ nhận được sự im lặng và những lời hứa hảo.
Ông Nguyễn Đình Nhu "ôm đơn xin xét xử" nhiều lần nhưng vẫn không được. (Ảnh: T.Tĩnh)
Ông Nguyễn Đình Nhu "ôm đơn xin xét xử" nhiều lần nhưng vẫn không được. (Ảnh: T.Tĩnh)
Ông Nhu tâm sự: “Lúc được ra khỏi trại giam vì mừng quá nên tui quên hỏi vì sao được tha, cũng không nhận được quyết định tha tù, cứ vậy là ra trại. Nhưng tài sản thì không được trả lại, vụ án cũng không được xét xử. Tui trở thành người trắng tay, quyền công dân thì bị treo”. Sau khi bình tỉnh lại, ông Nhu bắt đầu hành trình… xin xét xử, nhưng không được các cơ quan pháp luật Cần Thơ trả lời. “Cuộc sống của một “bị can treo” quá khốn khổ. Tui không dám xin việc làm vì không can đảm đi chứng lý lịch. Buôn bán thì thua lỗ, vay mượn tiền người ta cũng dò xét vì nghĩ mình là thằng đi tù, có tội. Đau đớn nhất là cha tui, ông đã 70 tuổi mà vẫn ám ảnh về chuyện đứa con tội lỗi, cứ uống rượu là lôi chuyện tù tội ra chửi, rồi đuổi tui ra khỏi nhà. Nếu quả thật tui có tội thì cơ quan pháp luật đem ra xử rồi ngồi tù, có lẽ còn đỡ khổ hơn. Điều tui khó hiểu là một vụ án như vậy tại sao lại bị bỏ quên? Nếu chúng tôi không có tội, tại sao không trả lại quyền công dân và tài sản cho chúng tôi?”.“Bóng đổ thầy, thầy đổ bóng”! Những đơn khiếu nại của ông Nhu được gửi đi khắp nơi nhưng không có hồi đáp mà cứ chuyển đơn lòng vòng. Đến 7/9/2009, lần đầu tiên, Văn phòng Cơ quan CSĐT mới trả lời: “Đơn của ông đã được chuyển sang Phòng An ninh Điều tra”. Mới đây nhất, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và Thành ủy thành phố Cần Thơ thông báo đơn khiếu nại của ông đã được chuyển đến Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ là nơi thụ lý hồ sơ vụ án buôn lậu của 20 năm trước. Ông Nhu bức xúc: “Tôi cũng biết là Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ phải có trách nhiệm trả lời nhưng chờ hoài mà cơ quan này vẫn lặng thinh, nên buộc phải kêu cứu đến các cơ quan chức năng khác”. Thượng tá Trần Quang Thắng, Trưởng phòng An ninh Điều tra, Công an thành phố Cần Thơ (là điều tra viên tham gia phá vụ án buôn lậu liên quan đến ông Nhu 20 năm trước), khẳng định: "Hồ sơ sau khi kết thúc điều tra đã chuyển sang VKSND tỉnh Hậu Giang (cũ). Tuy nhiên, vì sao Viện kiểm sát không ra cáo trạng, không trả hồ sơ điều tra bổ sung mà cũng không quyết định đình chỉ thì chúng tôi không được biết. Cũng như ông Nhu, sau khi chuyển hồ sơ đến nay chúng tôi không nhận được văn bản nào của Viện. Tài sản thu giữ vẫn do Công an quản lý nhưng xử lý lại thuộc thẩm quyền của Viện, mà nhiều năm qua, cũng không thấy Viện xử lý gì?" Trao đổi với báo giới qua điện thoại, ông Hồ Thanh Long, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ chỉ thông tin rằng “đang chỉ đạo rà soát lại hồ sơ rồi sẽ có hướng xử lý, còn bây giờ chưa có hồ sơ thì chưa thể trả lời được gì cả”. Sau 20 năm là bị can, đến nay vụ án buôn lậu của ông Nhu vẫn phải tiếp tục chờ câu trả lời của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ.
Theo Thanh Tĩnh
Đất Việt

Đọc thêm