Làm “công dân điện tử” ở Đà Lạt

(PLVN) - Với ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng vào công tác điều hành ở Đà Lạt (Lâm Đồng), giờ đây, bên cạnh phong cảnh hữu tình được thiên nhiên ban tặng, thì được sống ở Đà Lạt đang là niềm tự hào của người dân vì được làm “công dân điện tử”.
Trung tâm điều hành thông minh Đà Lạt (IOC Đà Lạt).
Trung tâm điều hành thông minh Đà Lạt (IOC Đà Lạt).

Công nghệ xóa nhòa khoảng cách giữa người dân và chính quyền

Buổi sáng, Trung tâm Hành chính TP Đà Lạt khá vắng vẻ, khác với cảnh chen nhau xếp hàng lấy số ngồi chờ như cách đây không lâu. Hóa ra, chỉ cần vài cái chạm trượt lấy số từ trước qua Smartphone lấy số, gần đến lượt của mình, trước 10-15 phút, tin nhắn báo về smartphone nhắc nhở, người dân mới từ nhà ra đây để giải quyết giấy tờ, thủ tục. 

Nhìn thấy một công trình xây dựng trái phép, một tình huống lấn chiếm lòng lề đường, chặt cây trái phép, đua xe, vệ sinh môi trường, ép giá du khách…người Đà Lạt không cần phải gọi điện thoại, lên đồn công an báo mà chỉ cần giơ Smartphone chụp 1 tấm ảnh, mở ứng dụng tải ảnh phản ánh sự việc. Vụ việc ngay lập tức được tiếp nhận chuyển cho đơn vị có thẩm quyền, nhiều nhất 2 giờ sau phải cử cán bộ xuống hiện trường, 6 giờ sau phải có báo cáo…quá trình xử lý hiển thị trực tiếp ngay trên ứng dụng để lãnh đạo có thể nhìn thấy ngay trên màn hình.

Đó chính là những tính năng tương tác thông minh của ứng dụng “Đà Lạt trực tuyến - iGov Connect”. Bằng ứng dụng này, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa nhưng không cần đến trụ sở mà chỉ cần kết nối Internet như: nộp hồ sơ, bốc số thứ tự, theo dõi quầy bốc số, tra cứu nhanh trạng thái hồ sơ, đánh giá thái độ phục vụ của nhân viên tiếp nhận hồ sơ, phản ánh kiến nghị của người dân đến các cơ quan chức năng UBND thành phố. 

Lâm Đồng cũng là một trong số các tỉnh thành đi đầu trong việc cấp hộ chiếu tại nhà, triển khai hệ thống tiếp nhận, xử lý tờ khai điện tử đề nghị cấp, đổi hộ chiếu qua mạng internet. 

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết, người dân, doanh nghiệp có thể kê khai các hồ sơ của mình theo các mẫu biểu sẵn có trên ứng dụng, sau khi bốc số và tiếp nhận hồ sơ, các cán bộ chỉ việc đối chiếu mẫu này theo các mẫu đã kê khai, như vậy đã rút ngắn được rất nhiều công đoạn và thời gian cho người dân và doanh nghiệp. 

 “Muốn công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử đạt hiệu quả, phải tạo nên những “công dân điện tử”. Với những ứng dụng tiện ích của Đà Lạt trực tuyến, ngoài việc cung cấp dịch vụ còn có chức năng đối thoại, tương tác với người dân, để người dân được quyền bày tỏ quan điểm, phản ánh các ý kiến trong hệ thống. Sự tương tác ấy khiến người dân hào hứng khi tham gia vào các dịch vụ công trực tuyến”, ông Sơn chia sẻ.

Các ứng dụng, phần mềm thông minh như Đà Lạt trực tuyến, Quy hoạch Đà Lạt, Giáo dục, Du lịch, Việc làm Lâm Đồng... đã được tích hợp vào “bộ não” điện tử của Đà Lạt là Trung tâm điều hành thông minh Đà Lạt (IOC).
 Các ứng dụng, phần mềm thông minh như Đà Lạt trực tuyến, Quy hoạch Đà Lạt, Giáo dục, Du lịch, Việc làm Lâm Đồng... đã được tích hợp vào “bộ não” điện tử của Đà Lạt là Trung tâm điều hành thông minh Đà Lạt (IOC).

Đầu não của “Chính quyền điện tử”

Nhiều các tính năng thông minh của một thành phố Đà Lạt thông minh được cung cấp để người dân, du khách, doanh nghiệp trải nghiệm sử dụng. Các ứng dụng, phần mềm thông minh như Đà Lạt trực tuyến, Quy hoạch Đà Lạt, Giáo dục, Du lịch, Việc làm Lâm Đồng... đã được tích hợp vào “bộ não” điện tử của Đà Lạt là Trung tâm điều hành thông minh Đà Lạt (IOC).

Tại IOC Đà Lạt, lần đầu tiên trên cả nước vấn đề phức tạp nhất, nóng bỏng nhất là quản lý dữ liệu đất đai được số hóa. IOC Đà Lạt đã tích hợp phần mềm trên thiết bị di động “Thông tin quy hoạch Đà Lạt”, xây dựng cơ sở dữ liệu không gian theo mô hình dữ liệu tập trung nhằm nâng cao công tác quản lý quy hoạch và công bố thông tin cho người dân như dữ liệu các lĩnh vực: quy hoạch đất đai, quy hoạch kiến trúc xây dựng, dữ liệu lớp giao thông, thông tin giá đất, xây dựng các khu chung cư mới, quy hoạch các khu đô thị, di dời nhà ở, tái kiến thiết các khu vực… trên nền tảng GIS.

Đến nay, “Thông tin quy hoạch Đà Lạt” đã số hóa dữ liệu được 97.751 thửa đất cho các phường, số hóa dữ liệu quy hoạch cho 11 phân khu và quy hoạch chi tiết trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã được UBND tỉnh phê duyệt…

“Người dân, doanh nghiệp, nhà quản lý chỉ cần mở ứng dụng, click vào có thể biết rõ thửa đất cần biết nằm ở vị trí nào, diện tích bao nhiêu, tình trạng sử dụng đất như thế nào, được phép xây dựng bao nhiêu tầng…rất tiện lợi!”, ông Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc IOC Đà Lạt cho biết.

Tương tự như vậy, các lĩnh vực Nông nghiệp, Giáo dục (Hệ thống quản lý trường học - VNPT School),  Lĩnh vực y tế (Hệ thống khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế VNPT- HIS)… đều được tích hợp trên hệ thống IOC. Từ đó, giúp thành phố có nguồn dữ liệu tổng quát, tập trung, phục vụ công tác điều hành của lãnh đạo thành phố. 

IOC Đà Lạt được xây dựng với mục tiêu cung cấp thông tin toàn diện về các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn thành phố.  Từ trung tâm này, lãnh đạo thành phố Đà Lạt có thể nắm được tình hình đang diễn ra trên địa bàn 12 phường và 4 xã trực thuộc thành phố một cách trực quan và liên tục. Điều này là nhờ hệ thống camera độ phân giải cao được lắp đặt trên các trục đường chính của thành phố Đà Lạt. Tính đến nay đã có khoảng gần 300 camera được tích hợp vào trung tâm điều hành. 

“IOC giúp lãnh đạo chính quyền các cấp có thể theo dõi sát sao hàng ngày, hàng giờ các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn TP. Hệ thống hiện có khả năng giám sát và quản lý từ cấp tổng quan đến chi tiết từng tình huống, như các chỉ tiêu đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội, giám sát trực quan trên bản đồ số, tình hình chất lượng dịch vụ y tế, việc xử lý phản ánh về bất cập đô thị, camera trí tuệ nhân tạo giám sát đô thị trực tiếp, quản lý thủ tục cấp phép xây dựng, tình hình giải quyết dịch vụ hành chính công…”, ông Phạm Văn Đa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết.

Sau thành công của Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đang triển khai Đề án “Xây dựng Bảo Lộc trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2020 – 2025 và định hướng đến năm 2030”. Đề án được xây dựng dựa trên 8 lĩnh vực chính, gồm: Chính quyền điện tử, quy hoạch và phát triển đô thị, du lịch, nông nghiệp, giáo dục, y tế, môi trường và giao thông.