Lâm Đồng: Giải pháp nào xây dựng Đà Lạt thành “thành phố thông minh”?

(PLO) - Đà Lạt là thành phố đầu tiên trong cả nước triển khai xây dựng “thành phố thông minh” (TPTM). Đó không chỉ là khát vọng của chính quyền và người dân Đà Lạt – Lâm Đồng mà còn là mong muốn của hàng triệu du khách khi đặt chân đến “TP hoa”xinh đẹp này….
Trao quyết định xây dựng Đà Lạt thành thành phố thông minh
Trao quyết định xây dựng Đà Lạt thành thành phố thông minh

Bốn trụ cột chính

Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đồng Nguyễn Viết Vân cho biết: Đề án xây dựng Đà Lạt trở thành TPTM xác định lộ trình thực hiện theo mô hình 4 trụ cột chính: Quản trị, đời sống, môi trường và kinh tế. Theo đó, các lĩnh vực và nội dung được giao cho các sở chuyên ngành chủ trì đã và đang được triển khai thực hiện theo thứ tự ưu tiên, gồm: Chính quyền điện tử; Quy hoạch đô thị và quản lý đất đai; Nông nghiệp; Du lịch, TP an toàn; Môi trường; Giáo dục – đào tạo; Y tế;  Giao thông.

Tháng 7/2018, Đề án nói trên chính thức được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt, nhưng ngay từ đầu năm, song song với xây dựng đề án, Sở TT&TT với vai trò là cơ quan thường trực Ban Điều hành của tỉnh đã phối hợp với các đơn vị được giao chủ trì xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt 09 đề án chi tiết trên các lĩnh vực; đồng thời triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động một số sản phẩm của đề án.

Trong khuôn khổ Lễ công bố Đề án “Xây dựng Đà Lạt trở thành TPTM  giai đoạn 2018 – 2025” chào mừng 125 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, vừa qua Sở TT&TT đã tổ chức triển lãm các sản phẩm, giải pháp xây dựng TPTM, nhằm tạo cơ hội cho các nhà quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có thể tiếp xúc, trao đổi và giới thiệu những giải pháp kỹ thuật công nghệ mới, liên kết đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng.

Mặt khác, Sở TT&TT còn phối hợp với VHTT&DL, Sở TN&MT, UBND TP Đà Lạt cùng VNPT và các doanh nghiệp xây dựng triển khai thí điểm 4 ứng dụng trong xây dựng TPTM để chính thức khai trương hoạt động gồm: Cổng thông tin du lịch; Cổng thông tin quy hoạch; Hệ thống chiếu sáng thông minh và Hệ thống wifi công cộng.

Khởi động triển lãm xây dựng Đà Lạt thành thành phố thông minh
Khởi động triển lãm xây dựng Đà Lạt thành thành phố thông minh

Thành quả bước đầu

Những ngày đầu năm 2019, dạo một vòng TP Đà Lạt chúng tôi nhận thấy cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên nền tảng thiết bị di động (App: Dalatcity) đã triển khai đến 100% cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Ứng dụng này đã tạo được sự chú ý của mọi người, vì nó giúp du khách, người dân, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước được kết nối với nhau trong một thể thống nhất. Du khách chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính kết nối internet có thể dễ dàng tìm kiếm đầy đủ thông tin về những địa điểm du lịch, cơ sở lưu trú, hay những địa điểm ẩm thực hấp dẫn của TP Đà Lạt.

Cổng thông tin quy hoạch TP Đà Lạt do VNPT triển khai, cung cấp công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của TP Đà Lạt thì đến nay đang trong quá trình triển khai thử nghiệm. Lãnh đạo VNPT Lâm Đồng cho hay, đến đầu năm 2019 đã tích hợp thành công toàn bộ dữ liệu không gian về quy hoạch theo Quyết định 704 của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch theo Quyết định 681 của UBND tỉnh, cũng như các lớp dữ liệu về thửa đất, ranh giới hành chính, giao thông, số nhà trên địa bàn phường 1.

Bên cạnh đó, các thông tin quy định về kiến trúc xây dựng cũng như quy định về giá đất do UBND tỉnh ban hành cũng được số hóa vào dữ liệu bản đồ trên nền tảng GIS, giúp các tổ chức và cá nhân trên địa bàn toàn TP dễ dàng tiếp cận được thông tin chính thức thông qua môi trường mạng. Thời gian tới sẽ xin chủ trương số hóa dữ liệu quy hoạch trên phạm vi toàn TP Đà Lạt. 

Bên cạnh đó hệ thống chiếu sáng thông minh do Công ty Vina Smart Led (Hàn Quốc) phối hợp với các đơn vị liên quan của TP Đà Lạt triển khai đến đầu năm 2019 đã hoàn thành lắp đặt, đưa vào sử dụng hệ thống chiếu sáng thông minh tại khu Hòa Bình – chợ Đà Lạt, khu vực cầu Ông Đạo và Quảng trường Lâm Viên. Ưu điểm của hệ thống này là đèn chiếu sáng tiết kiệm được từ 60-70% công suất điện tiêu thụ, tích hợp sẵn wifi phát sóng miễn phí và camera an ninh phục vụ công tác giám sát, đảm bảo an ninh trật tự.

Bà Mai Thanh Tâm - đại diện Vina Smart Led cho hay, đến nay Công ty đã lắp đặt được gần 100 đèn chiếu sáng thông minh có cảm ứng, wifi và camera ở khu trung tâm TP Đà Lạt nhằm theo dõi, kiểm soát các thông tin, cảnh báo kẹt xe và tội phạm. Theo dự án Công ty sẽ lắp đặt 8.000 đèn thông minh trên địa bàn TP Đà Lạt, phê duyệt đến đâu thì thi công đến đó; TP Đà Lạt sẽ lấy số tiền điện tiết kiệm được là 60% để thanh toán cho Công ty.

Đến mùa xuân này Lâm Đồng đã xây dựng thí điểm hệ thống wifi miễn phí tại một số khu vực công cộng trên địa bàn TP Đà Lạt, hoàn thành lắp đặt và đưa vào sử dụng được 69 điểm phát tại 14 khu vực như: Trung tâm hành chính công tỉnh, Quảng trường Lâm Viên, Chợ đêm, Khu Hoà Bình - Lê Đại Hành, Vườn hoa TP, Bến xe Liên tỉnh, Bến xe Thành Bưởi, Siêu thị BigC… với năng lực phục vụ lên đến 50.000 lượt truy cập wifi. Tên truy cập vào hệ thống là: DaLat_Wifi_Free, DaLat-Mega Net Free. Thời gian tới, Sở TT&TT sẽ theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng và phối hợp với UBND TP Đà Lạt triển khai mở rộng trên địa bàn toàn TP Đà Lạt.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt giải bày: “Hướng tới một TP có nhiều tiện ích, thân thiện cho mọi người trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông tiên tiến và cuộc cách mạng 4.0, thì việc xây dựng TPTM chính là cơ hội để Đà Lạt ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ hiện đại vào các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm giải quyết những vấn đề vừa trước mắt, vừa lâu dài, nắm bắt thời cơ bứt phá phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với định hướng xây dựng thành phố Đà Lạt tiêu chuẩn hiện đại, tiện ích, bền vững”.

Trong một chuyến thăm và làm việc với Lâm Đồng năm vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cam kết sẽ ủng hộ, tạo điều kiện, tư vấn cho tỉnh triển khai xây dựng TPTM. Theo Bộ trưởng, khi xây dựng Chính phủ điện tử, TPTM thì Lâm Đồng cần có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp hạt nhân như Viettel, Tập đoàn VNPT, Vingroup và đội ngũ làm công nghệ thông tin chất lượng cao về với tỉnh, làm việc cho tỉnh…

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng làm việc với Lâm Đồng
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng làm việc với Lâm Đồng

Mặt khác, Lâm Đồng cần có những chính sách đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển internet, mạng di động, 4G cho người dân… để trở thành tỉnh nằm trong top đầu của cả nước. Tuy nhiên, theo nhiều người thì để xây dựng được TP Đà Lạt trở thành TPTM, vấn đề tiên quyết là cần những con người thông minh, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, làm việc khoa học, kịp thời và nhanh nhạy.

Hiện nay, Lâm Đồng đứng thứ 3/63 tỉnh, TP trong ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng chính quyền điện tử, 20% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh được sử dụng để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, từ mùa xuân này người dân Đà Lạt – Lâm Đồng hi vọng rằng trong tương lai không xa TP Đà Lạt sẽ có một diện mạo mới: Hiện đại, phát triển bền vững và môi trường sống an toàn, thân thiện. 

Đọc thêm