Lâm Đồng: Nghiên cứu cải tạo bùn đỏ thành đất trồng

Một hướng tiếp cận mới nhằm xử lý phế thải bùn đỏ trong các dự án chế biến bauxite-alumin vừa được một nhóm nghiên cứu thuộc Sở KH&CN Lâm Đồng và Trường Đại học Đà Lạt nghiên cứu thành công, đó là dùng bã thải sau trồng nấm, phế thải dịch nấm men và than bùn để trung hoà bùn đỏ, tạo thành đất trồng cây.

Một hướng tiếp cận mới nhằm xử lý phế thải bùn đỏ trong các dự án chế biến bauxite-alumin vừa được một nhóm nghiên cứu thuộc Sở KH&CN Lâm Đồng và Trường Đại học Đà Lạt nghiên cứu thành công, đó là dùng bã thải sau trồng nấm, phế thải dịch nấm men và than bùn để trung hoà bùn đỏ, tạo thành đất trồng cây. Ngoài ra, họ cũng chọn được một số loại cây có khả năng tái lập thực bì và tái tạo hoàn thổ trên nền bùn đỏ (đã được cải tạo).

Bùn đỏ
Bùn đỏ
Bùn đỏ gồm các thành phần khoáng vô cơ không thể hoà tan, trơ, không biến chất và tồn tại lâu dài. Nó chỉ đóng rắn và chuyển hoá dần sau 20-25 năm. Đây là chất thải độc hại có tính kiềm rất cao. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hầu hết các loài cây đều rất nhạy cảm với các hỗn hợp khoáng trong bùn đỏ (chưa xử lý), chúng bị ức chế sinh trưởng rất nặng, hoại tử từng phần và chết rụi khi muối Na2SO4 rút lên trắng hết mặt đất và cây, rễ cây cũng bị úng và chết sau 3-10 ngày. Nhạy cảm nhất là lúa, ngô và cà chua, chỉ sau 2-5 ngày là chết hoàn toàn, hạt giống cũng không thể nảy mầm trên nền bùn đỏ. Chỉ còn một số loài: Lô hội (nha đam), cây thuốc bỏng, xương rồng Nopal, thanh long và cây dứa là sống sót được, nhưng sinh trưởng kém và thường ngả vàng, hoại tử dần.

Nhóm nghiên cứu đã tìm biện pháp trung hoà bùn đỏ bằng tác nhân hữu cơ từ các nguồn phế thải công nghiệp và than bùn để tạo nền đất trồng mới, có các tính chất nông hoá thích hợp. Kết quả: Tỷ lệ phối trộn thích hợp 1 : 1 : 1 : 1 (bùn đỏ/than bùn/bã nấm/cặn lên men) cho giá trị pH: 6,9-7,2, lượng hữu cơ tăng cao với tỷ lệ chất dinh dưỡng khá cân đối, hệ vi sinh gần như nền đất cho cây trồng. Như vậy, kết quả này cùng lúc làm giảm thiểu hai nguồn gây ô nhiễm, đó là bùn đỏ và phế thải hữu cơ từ các công nghệ lên men.

Nhóm cũng nghiên cứu, thử nghiệm và chọn lọc được một số loại thực vật có giá trị về kinh tế để trồng trên nền bùn đỏ đã xử lý trung hoà, được thiết lập, tạo lớp phủ thực bì. Trong đó cây thanh long, xương rồng Nopal và cây dứa có sức chống chịu cao, khả năng sinh trưởng rất triển vọng.

Việc xử lý bùn đỏ đã được quan tâm ở nhiều nước, có nơi sử dụng bùn đỏ để trung hoà cho đất trồng cỏ có độ chua cao thay cho vôi, ngoài ra bùn đỏ còn được sử dụng làm vật liệu xây dựng, làm chất hấp thu, trợ lắng lọc trong xử lý môi trường… Nhưng vì lượng thải quá lớn, hiệu quả kinh tế, chi phí đầu tư lớn nên vẫn chưa được áp dụng rộng rãi, trong thực tế vẫn sử dụng phương pháp cô lập để tự phân huỷ hoặc thải ra khu vực không ảnh hưởng đến khu dân cư. 
PV (khoahocphothong)  

Đọc thêm