Lâm Đồng: Vướng mắc khi thực hiện chủ trương đấu giá cát tận thu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Là địa bàn có trữ lượng khoáng sản lớn, nhất là cát sỏi làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường, nhưng người dân Lâm Đồng đang phải chi trả chi phí VLXD, nhất là cát, cao hơn nhiều so với các tỉnh. Oái ăm ở chỗ, trong khi đó hàng triệu m3 cát phải “đắp chiếu”, không thể đưa ra thị trường bổ sung nguồn cung.
Trong khi thị trường thiếu cát thì cát tận thu phải “đắp chiếu”.
Trong khi thị trường thiếu cát thì cát tận thu phải “đắp chiếu”.

Chủ trương thay đổi, giá cát “dựng đứng”

Theo công bố giá VLXD tháng 9/2023 của Sở Xây dựng Lâm Đồng, cát xây, tô; cát đúc từ 360 - 600 ngàn đồng/m3. Trong khi đó, giá bán lẻ cát xây dựng ở Ninh Thuận chỉ 250 - 280 ngàn đồng/m3; Bình Thuận 280 - 300 ngàn đồng/m3… Như vậy, giá cát xây dựng tại Lâm Đồng cao tới gấp đôi so với các địa phương lân cận.

Một trong những lý do khiến giá cát xây dựng ở Lâm Đồng tăng mạnh là nguồn cung cát tận thu khi nạo vét lòng hồ thuỷ điện, thuỷ lợi bị “đứt gãy”. Tháng 2/2023, Sở TN&MT tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giao Sở TN&MT tham mưu tỉnh thu hồi, chấm dứt hiệu lực các văn bản đã xác nhận khối lượng khoáng sản cát, sỏi thu hồi trong quá trình nạo vét lòng hồ thuỷ điện, thuỷ lợi cho các tổ chức, cá nhân còn hiệu lực, phối hợp UBND huyện tổ chức đấu giá khoáng sản thu hồi trong quá trình nạo vét lòng hồ.

Từ những cơ sở trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các Văn bản chỉ đạo 2096/UBND-TL ngày 22/3/2023; 5869/UBND-TL ngày 6/7/2023; 7033/UBND-TL ngày 14/8/2023; 7530/UBND-TL ngày 29/8/2023. Theo đó, UBND tỉnh giao UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp tổ chức xác định khối lượng khoáng sản thu hồi trong quá trình nạo vét kết hợp tận thu khoáng sản làm VLXD thông thường trong phạm vi công trình hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện tại địa bàn. Xác định, phê duyệt giá khởi điểm, chi phí liên quan và triển khai thực hiện đấu giá tài sản theo quy định như đề xuất của Sở TN&MT.

Với sự thay đổi trên, 11 DN nạo vét lòng hồ thuỷ điện, thuỷ lợi phải dừng bán cát tận thu, chờ đấu giá; không chỉ khiến DN gặp khó khăn tài chính mà còn tác động tiêu cực đến thị trường VLXD.

Đại diện Cty TNHH Đại Cát (Đức Trọng; nạo vét lòng hồ thuỷ điện Đồng Nai 2) cho biết, để được cấp phép nạo vét lòng hồ phải chi phí cho đơn vị tư vấn lập hồ sơ hơn 1,2 tỷ; mua sắm tàu, máy móc khoảng 1,8 tỷ đồng. DN đã thuê nhân công nạo vét; quản lý, bảo vệ khoáng sản từ tháng 7 tới nay với chi phí hơn 300 triệu đồng. Do chưa được xuất bán cát, DN không có nguồn thu.

Ông Nguyễn Huy Thành, Giám đốc Cty CP Đầu tư PITC Lâm Đồng (nạo vét lòng hồ thuỷ điện Đa Nhim, huyện Đơn Dương) phản ánh: PITC đã bỏ chi phí lớn đầu tư máy móc, thiết bị nạo vét, xây dựng một số công trình bảo vệ môi trường theo phê duyệt của tỉnh và các chi phí liên quan khác. Nhưng cát tận thu chưa thể bán nên Cty không có tiền; đời sống người lao động gặp khó khăn, máy móc không hoạt động lâu ngày xuống cấp, hư hỏng.

“Không bán được cát nên DN không có nguồn thu; bãi chứa thì đã đầy, quá tải. Tàu nạo vét dừng hoạt động nhưng vẫn mất chi phí tiền lương, quản lý, bảo dưỡng máy móc… Nếu tình trạng này kéo dài, không biết cầm cự được bao lâu”, ông Thành nói.

Bên cạnh đó, việc tạm dừng hoặc ít nạo vét sẽ khiến các hồ thuỷ điện, thuỷ lợi bị bồi lắng, giảm dung tích chứa, dung tích hữu ích phát điện; gây khó khăn cho hoạt động vận hành hồ chứa, giảm công suất phát điện, ảnh hưởng môi trường sinh thái hồ chứa.

Rõ nhất là thị trường VLXD bị tác động tiêu cực. Các cơ sở kinh doanh phải nhập cát từ Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk… Giá tăng cao do các chi phí vận chuyển, bốc dỡ, bến bãi…

Cát tận thu từ nạo vét lòng hồ thuỷ điện, thuỷ lợi phải nằm bãi trong khi thị trường thiếu nguồn cung.

Cát tận thu từ nạo vét lòng hồ thuỷ điện, thuỷ lợi phải nằm bãi trong khi thị trường thiếu nguồn cung.

Quy định còn “dẫm chân” nhau?

Vậy cát tận thu đến khi nào mới đấu giá? Dù UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt, nhưng đến nay các địa phương vẫn chưa thể triển khai do thiếu hướng dẫn cụ thể.

Theo quy định trước đây, DN muốn bán cát tận thu cần đăng ký tại Sở TN&MT để được cấp phép trữ lượng. Sau khi UBND tỉnh cấp phép, DN được bán cát, đóng thuế dựa trên khối lượng thực tế, căn cứ hoá đơn xuất ra. Sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh về đấu giá cát tận thu, các DN tạm dừng hoạt động vận chuyển, tiêu thụ.

Theo các DN, qua nghiên cứu, rà soát, đối chiếu Luật Khoáng sản, Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, Nghị định 23/2020/NĐ-CP, Văn bản 3179/BTNMT-ĐCKS ngày 8/6/2022 của Bộ TNMT, Quyết định 1202/QĐ-UBND ngày 24/6/2013 của UBND tỉnh; thì hoạt động nạo vét cục bộ, kết hợp thu hồi cát, sạn, sỏi và bùn đất trong phạm vi bảo vệ an toàn đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh không thuộc vùng nước đường thủy nội địa của tỉnh nên không thuộc đối tượng đấu giá theo điểm b khoản 1 Điều 31 Nghị định 23/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, ngày 8/6/2022 Bộ TN&MT có Văn bản 3197/BTNMT-ĐCKS về việc thu hồi cát trong quá trình thực hiện dự án nạo vét hồ thuỷ điện Krông H’Năng gửi UBND Đắk Lắk. Trong đó nêu rõ, theo Nghị định 23, thì UBND cấp tỉnh “chủ trì tổ chức đấu giá với khối lượng sản phẩm là cát, sỏi lòng sông hồ được từ các dự án duy tu, nạo vét luồng thuộc vùng nước cảng biển, vùng nước đường thuỷ nội địa”.

Mặt khác, theo Quyết định 1202 của UBND Lâm Đồng về quy hoạch phát triển đường thủy tỉnh, thì hiện mới khai thác gần 60km trên sông Đồng Nai từ Cát Tiên về Đồng Nai (thuộc huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai).

Thế nhưng, tại Văn bản 3315/ĐCKS-CSPC ngày 31/10/2022 hướng dẫn đăng ký thu hồi khoáng sản với dự án nạo vét lòng hồ thuỷ điện, thuỷ lợi, Tổng cục Địa chất & Khoáng sản lại nêu: Các dự án nạo vét lòng hồ thuỷ điện, thuỷ lợi mà quá trình nạo vét có thể thu hồi được cát, sỏi đủ tiêu chuẩn làm VLXD thông thường thì UBND tỉnh xem xét, xác định khối lượng, giá trị sản phẩm thu hồi được để tổ chức đấu giá theo điểm b khoản 1 Điều 31 Nghị định 23.

Từ những lập luận trên, các DN cho rằng các quy định về đấu giá cát tận thu còn “dẫm chân” nhau. Tuy nhiên, theo luật và nghị định hướng dẫn thì dự án nạo vét lòng hồ thuỷ điện, thuỷ lợi không thuộc đối tượng đấu giá.

Do vướng mắc đấu giá cát tận thu nên hoạt động nạo vét lòng hồ thuỷ điện, thuỷ lợi gặp nhiều khó khăn.

Do vướng mắc đấu giá cát tận thu nên hoạt động nạo vét lòng hồ thuỷ điện, thuỷ lợi gặp nhiều khó khăn.

Nhiều vướng mắc bộc lộ

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, giữa năm 2023 có 2 DN nạo vét ở huyện Lạc Dương nộp hồ sơ xin đấu giá cát sỏi tận thu; nhưng qua triển khai bộc lộ nhiều vướng mắc. Đây cũng khó khăn chung các DN nạo vét tại Lâm Đồng gặp phải.

Thứ nhất, việc tính toán, xác định khối lượng cát tận thu để đấu giá mới thực hiện bằng phương pháp thủ công, chưa bảo đảm tính chính xác.

Như tại Lạc Dương, sau khi nhận văn bản đề nghị đấu giá cát tận thu của Cty TNHH Đắc Thắng Lợi và Cty TNHH Tài Hòa Phú 68, thì Phòng Tài chính - Kế hoạch đã chủ trì, phối hợp Phòng TN&MT, Kinh tế & Hạ tầng, Chi cục Thuế Khu vực, UBND 2 xã Đạ Nhim và Đưng K’Nớ kiểm tra thực địa, sử dụng thước dây đo chiều cao, chiều rộng, chiều dài của bãi cát để tạm xác định khối lượng cát.

Thứ hai, việc xác định giá khởi điểm để đấu giá hiện chưa có quy định cụ thể mà dựa vào khảo sát, tham khảo giá của một số DN, cửa hàng kinh doanh VLXD trên địa bàn. Đồng thời chưa có hướng dẫn chi tiết việc xác định chi phí nạo vét và hoàn trả chi phí này cho DN sau đấu giá. “Hiện chưa có văn bản xác định nguồn kinh phí mà DN bỏ ra để thực hiện nạo vét có được khấu trừ vào chi phí tổ chức bán đấu giá cát tận thu hay không”, theo báo cáo của UBND huyện Lạc Dương.

Theo các DN, việc tạm tính chi phí hoàn trả DN chưa có căn cứ pháp lý, nên không chỉ DN mà các địa phương cũng không dám triển khai, e ngại sau này bị thanh tra, kiểm toán.

Thứ ba, về cơ sở pháp lý tổ chức đấu giá, Sở Tư pháp hướng dẫn xác định khối lượng, giá trị sản phẩm; trình tự, thủ tục theo Luật Đấu giá tài sản 2016, Thông tư 02/2022/TT-BTP.

Tuy nhiên, cũng theo Sở Tư pháp, đến nay chưa có văn bản hướng dẫn hồ sơ, trình tự, thủ tục trong đấu giá tài sản là cát tận thu; mà chỉ có thể “tham khảo” Chương II Thông tư liên tịch 14/2015/TTLUT-BTNMT-BTP.

Giải pháp nào để gỡ vướng những vấn đề nêu trên? Báo PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sau khi ghi nhận ý kiến từ các DN và cơ quan chức năng.

Đọc thêm