Làm gì để thư viện thực sự thiết thực?

(PLVN) - Những ngày cuối tháng 11 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - Room to read - tổ chức hội thảo tổng kết công tác thư viện năm học 2018-2019 định hướng xây dựng bộ tiêu chuẩn thư viện trường tiểu học đáp ứng nhu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới. 
Các thư viện cần khảo sát để mua sắm tài liệu phù hợp với nhu cầu học sinh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, con số 100% trường tiểu học trên cả nước (13.994 trường) đều có thư viện, trong đó nhiều địa phương như thành phố Hà Nội có hơn 1.000 thư viện đạt chuẩn trên khoảng hơn 1.000 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia là minh chứng cho sự quan tâm của ngành Giáo dục và các địa phương đối với việc phát triển và phát huy hiệu quả vai trò của thư viện trong trường học.

Theo Thứ trưởng, trong những năm vừa qua, các thư viện trường học đã phát huy được vai trò, tác dụng của mình, nhất là với cấp tiểu học khi triển khai dạy học 2 buổi/ngày. Theo đó, song song với các giờ học trên lớp, học sinh có giờ học tại thư viện với những mô hình dạy học tích cực, phương thức giáo dục mở, thân thiện, giúp học sinh được tự do, chủ động tìm hiểu, khám phá kiến thức.

Đây cũng là tinh thần chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới khi chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh và một trong những năng lực cốt lõi là tự học, tự chủ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thư viện tại các trường học vẫn tồn tại một số hạn chế và phát triển chưa đồng bộ. Trang thiết bị cơ sở vật chất và nguồn học liệu của một số thư viện chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng.

Một số nơi chưa chú trọng công tác bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ thư viện, khiến hoạt động vận hành thư viện chưa phát huy hết hiệu quả. Một số trường học chưa thực sự quan tâm nên thư viện mới chỉ là “cái kho” để chứa sách, là nơi cho học sinh và giáo viên mượn sách. Hoạt động thư viện chưa phát huy được hiệu quả, chưa thu hút được nhiều học sinh đến học tập và trải nghiệm ở không gian này.

Một trong giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện trong trường học, theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, là phải khảo sát được nhu cầu của học sinh theo từng vùng miền, từng lứa tuổi, để từ đó lên kế hoạch mua sắm, xác định nguồn tài liệu phù hợp nhu cầu học tập, giải trí của các em.

Đây cũng là hình thức thu hút học sinh đến với thư viện nhà trường. Các cơ sở giáo dục phải xây dựng kế hoạch hoạt động thư viện đảm bảo phù hợp, có hình thức hoạt động linh hoạt, phong phú nhằm tạo hứng thú cho học sinh đến đọc và học. 

“Chúng ta cần nghiên cứu để tổ chức thư viện thành không gian mở, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp học liệu. Cán bộ thư viện cần làm tốt công tác tuyên truyền giới thiệu sách để thu hút học sinh đến thư viện nhà trường. 4 yếu tố gồm: Nguồn tài liệu, cán bộ thư viện, người đọc, cơ sở vật chất/hạ tầng kỹ thuật cần được liên kết, đồng bộ để phát huy hiệu quả hoạt động thư viện trong các nhà trường” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Và để hoàn thiện văn bản pháp lý về tổ chức và hoạt động của thư viện, Bộ GD&ĐT đang Dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn thư viện trường tiểu học. Chia sẻ về Dự thảo Thông tư này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết, vai trò của thư viện trường tiểu học hiện nay, cũng như để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, đã có sự thay đổi.

Thư viện là không gian học tập chung của nhà trường, là nơi giúp cho giáo viên và học sinh học tập, bổ sung và cập nhật kiến thức, là trung tâm của các hoạt động kết nối và làm việc nhóm của học sinh. Đó còn là nơi diễn ra các hoạt động sáng tạo và phát huy trí tưởng tượng của học trò, nhằm xây dựng và phát triển năng lực tự học, năng lực giao tiếp, năng lực ngôn ngữ và sáng tạo cho người học, hình thành và nuôi dưỡng các phẩm chất nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm cho học sinh.

Phó Giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á của tổ chức Room to read - ông David Strawbridge cũng cho biết, từ năm 2001 đến nay, tổ chức đã hỗ trợ thiết lập 2.512 thư viện cho các trường phổ thông Việt Nam; cung cấp hơn 3.700.000 xuất bản phẩm là tựa sách tranh dành cho học sinh lớp 1-2; hỗ trợ cải tạo thư viện thành không gian đọc/học tập thân thiện với học trò.

Room to read đã tổ chức các lớp tập huấn cho hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên thư viện về thiết lập và quản lý thư viện, tiết đọc thư viện, huy động sự tham gia của gia đình và cộng đồng, duy trì bền vững thư viện.

Như vậy, có thể nói rằng mô hình thư viện hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đọc sách và xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh. Việc có một mô hình thư viện thân thiện để khuyến khích học sinh đến thư viện đọc sách, hình thành và phát triển kĩ năng đọc cho học sinh là rất cần thiết. 

Chương trình Thư viện thân thiện Trường Tiểu học do Bộ GD&ĐT phối hợp với tổ chức Room to Read đã được triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước. Chương trình nhằm xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh tiểu học, hướng đến mục tiêu giúp các em trở thành người đọc độc lập trong tương lai, là người có kỹ năng đọc và thói quen đọc.
Cho đến nay, chương trình thư viện thân thiện đã được triển khai tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh, Bình Định, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Bắc Giang, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Phú Thọ, Tây Ninh, Lâm Đồng… góp phần rèn kĩ năng đọc, xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh tiểu học tại một số trường.

Đọc thêm