Giảng viên bán hàng online, buôn đất vì thu nhập không đủ sống
Theo TS Trần Trọng Đạo, Chủ tịch Công đoàn trường Đại học Nha Trang, hiện nay lượng công việc của giảng viên, người lao động trong các trường đại học lớn, chịu nhiều áp lực nhưng thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Từ đó dẫn đến hệ quả không ít giảng viên, người lao động xin thôi việc, chuyển công tác khác, học ở nước ngoài xong thì không muốn về trường làm việc.
Điều lo lắng hơn, để đủ trang trải cuộc sống, nhiều giảng viên dành nhiều thời gian, tâm huyết làm việc khác ngoài công việc chính, như: bán hàng online, bất động sản...
"Công việc chính thì đem lại thu nhập phụ, việc làm phụ thì đem lại thu nhập chính. Việc chính cần được dành nhiều trí tuệ, tâm huyết thì lại không. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục, đào tạo rất nhiều", TS Đạo nói.
Do đó, ông đề xuất nên có chính sách tiền lương, bảng lương riêng cho nhà giáo. Dẫu biết đây là việc khó bởi nguồn lực của Nhà nước có hạn và phải xem xét trong tương quan với các ngành khác.
Chủ tịch Công đoàn trường Đại học Nha Trang cũng kiến nghị Nhà nước có chính sách cho vay vốn với các ưu đãi đặc thù (thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng) cho giảng viên, người lao động trong ngành. Nhà nước có thể cho vay để mua đất, xây nhà, đi học nâng cao chuyên môn với các ưu đãi về lãi suất, thời gian vay (10 - 20 năm), phương thức trả nợ vay.
Đại diện Trường Đại học Sư phạm Vinh kiến nghị Bộ GD&ĐT và các bộ ngành cần các chủ trương, quyết sách lớn gắn liền với sứ mệnh của những người đã lựa chọn nghề giáo. Bởi, hiện nay, những người lựa chọn nghề giáo đang gặp khó khăn, trở ngại trong đó có áp lực nghề nghiệp, áp lực thu nhập.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng vấn đề thu nhập của cán bộ giảng viên, viên chức, người lao động ở các trường đại học cần tính toán để đảm bảo cuộc sống. Thực tế thu nhập của giảng viên chưa thực sự cao do nhiều nguyên nhân. Trong Nghị quyết 29 đã nêu định hướng, tiến tới giáo viên sẽ có bảng lương riêng cao nhất trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đề xuất chính sách đặc thù cho giảng viên các trường Y Dược
PGS.TS Phạm Ngọc Minh, Trưởng phòng tổ chức cán bộ Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, giảng viên Trường Y có tính đặc thù cao khi vừa làm việc tại bệnh viện vừa làm việc tại trường, trách nhiệm nặng nề, khối lượng công việc lớn và nặng nhọc nhưng chế độ chính sách hiện đại chỉ cho họ nhận một loại lương và phụ cấp cho cả hai việc. Điều này dẫn tới một đội ngũ giảng viên y khoa xin ra khỏi cơ sở công lập để chuyển sang giảng dạy tại cơ sở tư nhân.
PGS.TS Phạm Ngọc Minh đề xuất Bộ GD&ĐT sửa đổi quy định về điều kiện có thể trở thành giảng viên trường Y. Theo đó, giảng viên Trường Đại học Y không nhất thiết phải có bằng thạc sĩ mà chỉ cần đáp ứng trình độ tương đương, như bác sĩ nội trú. Bởi trong ngành Y, bác sĩ nội trú có trình độ chuyên môn nghề nghiệp cao hơn thạc sĩ.
Trước kiến nghị này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, về mặt đào tạo chuyên môn như bác sĩ nội trú, bác sĩ nội trú CKI, CKII... đúng là đều không có tương thích đã được xác định trong các văn bản quy phạm pháp luật. "Mặc dù thực tế bác sĩ nội trú là những người rất giỏi nhưng đã tương đương trình độ Thạc sĩ hay chưa thì Bộ Giáo dục và Bộ Y tế cần bàn thảo thêm để làm sao những người giỏi, người tài không bị phiền lụy về những vấn đề về hành chính".
"Chúng ta đi thẳng vào thực chất của trình độ và năng lực của họ. Tuy nhiên, những gì mà hiện nay quy định chưa sửa được thì chúng ta tiếp tục đã. Mong thầy cô cùng Bộ GD&ĐT có kiến nghị cho thuyết phục trong thời gian sắp tới với sự phối hợp của 2 Bộ", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Không phân biệt trường công - trường tư
Đại diện các trường đại học ngoài công lập bày tỏ quan điểm: Bên cạnh một số trường được đầu tư đúng hướng thì phần lớn các trường ngoài công lập vẫn còn gặp khó khăn về chính sách tài chính, chính sách đất đai, thi đua khen thưởng, chế độ vinh danh các nhà giáo vẫn còn rào cản. Do đó mong muốn các cơ quan có sự điều chỉnh chính sách quan tâm nhiều hơn đến các trường ngoài công lập.
Đối với nội dung này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định luôn có “ứng xử” công bằng giữa các trường công lập và ngoài công lập. Ông Sơn cho biết "Bộ đang kiến nghị các chính sách phù hợp tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập. Trong đó là ưu tiên chính sách đất đai, chúng tôi rất mong muốn Luật Đất đai sửa đổi có nội dung cho đất cho ngành giáo dục nói chung và giáo dục ngoài công lập nói riêng. Điều này thể hiện Nhà nước bày tỏ sự quan tâm cho giáo dục ngoài công lập, trong đó là các vấn đề đất đai, địa điểm, mặt bằng”.
Chưa hiểu đúng về tự chủ đại học
PGS.TS Phạm Thị Huyền, Trưởng bộ môn Marketing, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phản ánh xã hội vẫn chưa hiểu đúng về tự chủ đại học. Nghĩ tự chủ trong thu học phí, thiên về tài chính và nghĩ là tự chủ là Nhà nước không hỗ trợ học phí và các hoạt động. Do đó bà đề nghị Bộ GD&ĐT chung tay truyền thông về tự chủ đại học. Sự thiếu đồng bộ trong điều hành tự chủ tài chính đang đặt ra khó khăn cho các nhà trường. Vì thế, cần có cơ chế chính sách, văn bản chỉ đạo giúp các trường đại học điều hành tự chủ tài chính một cách hợp lý trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng điều này cần có quá trình điều chỉnh. Hiện, Nghị định 99 đang được điều chỉnh và dự kiến năm 2023, Quốc hội, Chính phủ sẽ giao Bộ GD&ĐT xem xét, sửa đổi Luật 34. Từ đó tiếp tục mở đường cho tự chủ đại học được đúng hướng, có chiều sâu, thuận lợi cho cơ sở giáo dục đại học hơn.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, một khó khăn khác của thực hiện tự chủ là sự hiểu về tự chủ. Có nơi hiểu chưa hết, không dám làm hết; có nơi hiểu tự chủ là thích làm gì thì làm - cả hai cách hiểu trên đều dẫn đến sai lệch trong quá trình thực hiện. "Vấn đề về tự chủ, học thuật, tài chính,… cũng cần có điều chỉnh để chúng ta làm tốt hơn vấn đề tự chủ trong thời gian tới. Đây là vấn đề rất lớn trong giáo dục đại học" - Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm.