Làm giàu nhờ nuôi cá

Đến thôn Hòa Khương Đông, xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) hỏi anh Nguyễn Đình Trác thì ai cũng biết. Anh là người đầu tiên ở Hòa Nhơn mạnh dạn chuyển đổi đất trồng kém năng suất sang nuôi cá đạt hiệu quả cao và tận tình trao đổi kinh nghiệm, giúp bà con nông dân vượt khó làm giàu từ mô hình này.

Đến thôn Hòa Khương Đông, xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) hỏi anh Nguyễn Đình Trác thì ai cũng biết. Anh là người đầu tiên ở Hòa Nhơn mạnh dạn chuyển đổi đất trồng kém năng suất sang nuôi cá đạt hiệu quả cao và tận tình trao đổi kinh nghiệm, giúp bà con nông dân vượt khó làm giàu từ mô hình này.

Mô tả ảnh.
Anh Trác đang kiểm tra sự phát triển của cá.

Anh Trác bắt đầu nuôi cá từ năm 1998, trên diện tích đất 5% của hợp tác xã. Anh đã từng bỏ công đi tìm hiểu, tham khảo ở nhiều nơi và nghiên cứu nhiều tài liệu kỹ thuật, rồi áp dụng vào thực tế. Lúc đầu, anh nuôi khảo nghiệm trong một ao nhỏ để đúc rút kinh nghiệm, rồi từng bước đầu tư, nhân rộng. Đến nay, anh đã có tổng diện tích mặt nước hơn 5.000m2, mỗi năm nuôi một lứa với 10.000 con cá giống các loại. Theo anh, nuôi cùng lúc nhiều loại cá để chúng bổ trợ nhau trong quá trình phát triển và tận dụng tối đa môi trường nước. Phân của cá trắm cỏ (sống ở tầng trên) trở thành nguồn thức ăn cho các loài cá sống ở tầng dưới. Mè, trôi, chép thường sống lưng chừng ở giữa. Còn rô phi, trê lai hay bơi sát đáy và sục đầu vào bùn, có tác dụng “làm vệ sinh” đáy ao.

Hằng năm, anh Trác thả cá giống vào cuối tháng ba, đến đầu tháng 9 là bắt cá lớn bán bớt và đến tháng hai năm sau (thường vào dịp Tết) thì hút ao bán hết. Thu hoạch xong, anh khẩn trương nạo vét ao, rải vôi, khử phèn, rồi mới cho nước vào nuôi lại lứa khác. Anh thường liên hệ với một cơ sở chăn nuôi gia cầm trong xã, hằng ngày đến chở phân gà về cho cá ăn và làm chuồng nuôi bò ngay bên mép ao để tăng cường thức ăn cho cá từ nguồn phân bò. Ngoài ra, anh còn cho ăn các loại bột cám, bắp, bánh dầu và lá cây cỏ. Anh cho biết, nếu không đủ lượng ăn, cá sẽ chậm lớn, nhưng nếu cho ăn dư thừa sẽ gây ô nhiễm nước, làm cho cá bị bệnh đỏ mắt và lở mình.

Áp dụng kiến thức kỹ thuật đã được tập huấn, anh Trác thả những bó lá bông trắng vào trong ao để tạo ra vi sinh, meo tảo nhằm giữ nước có độ pH thích hợp đối với cá. Theo anh, hễ nhìn thấy nước có màu xanh lá chuối là tốt nhất. Mặt khác, anh thường xuyên phát dọn, rải vôi chung quanh hồ để khử trùng, phòng trừ chuột bọ. Các ao cá của anh Trác có thiết kế khoa học, thay đổi nước dễ dàng và luôn giữ được mực nước không sâu quá 1 mét. Anh cũng đã đầu tư tôn cao các bờ bao ngăn lũ và mua sẵn hàng ngàn mét lưới để giăng chung quanh, phòng khi lũ ngập bờ, cá vẫn không bị cuốn trôi.

Nhờ chuyên cần, năng nổ và giỏi kỹ thuật, anh Trác liên tục nuôi đạt hiệu quả cao, có vụ bán được cả trăm triệu đồng và chưa có vụ nào xảy ra dịch bệnh. Cứ sau Tết Nguyên đán là thương lái tìm đến mua và mỗi lần anh thu hoạch cá là bà con nô nức đến xem, đứng kín quanh bờ. Đáng trân trọng hơn là anh Trác luôn tận tình hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm cho người khác và đã giúp nhiều người nuôi đạt kết quả khả quan. Các hộ ông Huỳnh Liễu, Đặng Ánh, Lý Viết Thanh ở cùng thôn trước đây gia cảnh nghèo khó, nhờ nuôi cá nước ngọt, bây giờ đã trở thành những gia đình khá giả.

Trao đổi với chúng tôi, anh Trác hồ hởi bộc bạch: Những thửa đất xấu, trồng trọt kém hiệu quả, nhưng ở gần nguồn nước nên anh đã chuyển sang nuôi cá. Nuôi cá không khó, sản phẩm có bao nhiêu cũng bán hết, chứ không bị thừa ế. Chi phí nuôi cá không nhiều, phòng dịch cũng không khó, nên nếu biết đầu tư nuôi đúng cách, nghề này sẽ đem lại thu nhập cao.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

Đọc thêm