Làm rõ tính pháp lý của kiểm toán độc lập, tạo niềm tin cho đơn vị, doanh nghiệp

(HPĐT)- Ngày 13-11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Kiểm toán độc lập và dự án Luật Phòng, chống mua bán người.

(HPĐT)- Ngày 13-11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Kiểm toán độc lập và dự án Luật Phòng, chống mua bán người.

 Kiểm toán sai phải chịu trách nhiệm

Đa số đại biểu cho rằng, sự cần thiết ban hành Luật Kiểm toán độc lập nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm toán độc lập, khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay và đáp ứng nhu cầu phát triển. Việc ban hành Luật Kiểm toán độc lập sẽ xác lập vị trí pháp lý tương đồng với quốc tế nhằm thúc đẩy Việt Nam hội nhập trong lĩnh vực này.

Làm rõ tính pháp lý của kiểm toán độc lập, tạo niềm tin cho đơn vị, doanh nghiệp ảnh 1

Các đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Phạm Thị Loan, Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) cho rằng, không nên quy định tiêu chuẩn, điều kiện của giám đốc hoặc tổng giám đốc doanh nghiệp kiểm toán đối với công ty TNHH kiểm toán phải góp tối thiểu 10% vốn điều lệ. Các đại biểu cho rằng, chỉ nên quy định doanh nghiệp có thể thuê người Việt Nam và người nước ngoài đảm nhận những vị trí trên, miễn là có chuyên môn cao trong lĩnh vực kiểm toán. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị: Cần quy định cụ thể tiêu chuẩn của kiểm toán viên người nước ngoài hoạt động ở Việt Nam. Nhiều đại biểu đồng tình với ý kiến của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tại báo cáo thẩm tra cho rằng, việc điểm b, khoản 1, điều 15 quy định về điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán và hình thức hành nghề kiểm toán yêu cầu “… đạt kỳ thi sát hạch bằng tiếng Việt về pháp luật Việt Nam” là không khả thi, nhất là đối với các kiểm toán viên là người nước ngoài. Đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng: Cần phân định rạch ròi về thẩm quyền của Bộ Kế hoạch-Đầu tư và Bộ Tài chính trong việc cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép hành nghề cho các doanh nghiệp kiểm toán. Theo đại biểu Lê Thị Mai (Hải Phòng), việc quản lý thi, cấp chứng chỉ hành nghề trong giai đoạn này nên giao Bộ Tài chính thống nhất quản lý, chưa thể giao ngay cho một tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) đặt vấn đề trong hoạt động kiểm toán, nếu như các hoạt động kiểm toán khác phát hiện ra sai sót của kiểm toán độc lập trong quá trình kiểm toán có nên quy định phải thu hồi chi phí mà doanh nghiệp chi cho kiểm toán độc lập hay không? Và doanh nghiệp kiểm toán độc lập có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay không? Các đại biểu Nguyễn Văn Hiến, Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, cần làm rõ tính pháp lý của kiểm toán độc lập, hiệu lực của kết luận kiểm toán để làm cơ sở, căn cứ cho các doanh nghiệp, cơ quan khi thuê kiểm toán độc lập. Các cá nhân, tổ chức kiểm toán chịu trách nhiệm pháp lý khi đưa ra kết luận kiểm toán sai.

Nhiều đại biểu cho rằng, các quy định về xử lý vi phạm trong dự thảo Luật còn chung chung, chưa phản ánh được tính đặc thù của hoạt động kiểm toán độc lập. Một số đại biểu đề nghị dự thảo luật không nên quy định quá nhiều điều giao Bộ Tài chính hướng dẫn, tránh tình trạng khi ban hành lại phải chờ thông tư, nghị định hướng dẫn.

Nạn nhân bị buôn bán cần được bảo vệ

Đại biểu Hoàng Thị Hương (Lạng Sơn) cho rằng, pháp luật Việt Nam chưa quy định đầy đủ về việc bảo vệ đời tư và nhận dạng của nạn nhân. Do đó, dự thảo Luật cần quy định cụ thể để bảo vệ đời tư và nhận dạng cho nạn nhân mua bán người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em để bảo đảm cho tương lai và sự hòa nhập cộng đồng của họ sau này, bởi đối tượng bị mua bán trong thời gian qua chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Liên quan đến quy định phạm vi hỗ trợ cho nạn nhân, đại biểu Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) cho rằng, quy định còn chung chung và quá rộng, khó thực hiện. Điều 38, khoản 1 quy định "Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm hỗ trợ ban đầu", trong khi điều kiện và năng lực của ngân sách cấp xã còn hạn chế như hiện nay? Vì vậy, dự thảo Luật cần quy định cụ thể được hỗ trợ những gì và tùy từng trường hợp, giai đoạn hoàn cảnh và nhu cầu thực tế để có chế độ hỗ trợ cho phù hợp. Vấn đề này nhận được sự đồng tình của đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Giàng A Chu (Yên Bái). Tiếp cận ở góc độ bình đẳng giới, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) đề nghị cần tổ chức đánh giá tác động của dự án Luật Phòng, chống mua bán người đối với vấn đề bình đẳng giới. Nên quy định về quyền, nghĩa vụ của nạn nhân và vai trò của Mặt trận, các đoàn thể, trong đó có Hội liên hiệp phụ nữ trong phòng ngừa, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân. Nên tham khảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và một số luật khác bảo đảm tính thống nhất.

Đại biểu Giàng Páo Mỷ (Lai Châu) cho rằng, cần nêu rõ trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế cũng giữ vai trò chủ đạo trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ và công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật và các biện pháp phòng, chống mua bán người.

Ngày 15-11, Quốc hội làm việc tại hội trường thông qua Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Viên chức, Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2011; thảo luận về dự án Luật Khiếu nại./.

Đọc thêm