Làm sách dạy 100 nghề cho nông dân

Có thể chọn lọc ra 100 nghề để in thành 100 cuốn sách. Những cuốn sách này được viết ngắn gọn, cô đọng, dễ hiểu và đặc biệt là phải “vui nhộn” để người nông dân dễ tiếp thu.

Có thể chọn lọc ra 100 nghề để in thành 100 cuốn sách. Những cuốn sách này được viết ngắn gọn, cô đọng, dễ hiểu và đặc biệt là phải “vui nhộn” để người nông dân dễ tiếp thu.

Làm sách dạy 100 nghề cho nông dân ảnh 1

Đào tạo nghề cho nông dân là làm cho họ trụ vững
trên chính những cánh đồng của mình - Ảnh minh họa.

Đó là đề xuất của  Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam Nguyễn Lân Hùng- vị Giáo sư của nhà nông này đưa ra ý tưởng trên tại Hội nghị mở rộng của Ủy ban về Thập kỷ phát triển bền vững của Việt Nam diễn ra sáng 23/3 tại Hà Nội.

Theo ông, có thể chọn lọc ra 100 nghề để in thành 100 cuốn sách, mỗi cuốn dày không quá 50 trang. Những cuốn sách này được viết trên nguyên tắc ngắn gọn, cô đọng, dễ hiểu và đặc biệt là phải “vui nhộn” để người nông dân dễ tiếp thu.

Giáo sư Hùng cho biết những cuốn sách của ông sẽ có sự cộng tác của nhiều nhà khoa học giỏi và tâm huyết trong nước, nằm trong “Chương trình 100 nghề cho nông dân” mà ông ấp ủ từ lâu, trong đó có những nghề như nuôi rắn hổ mang, nuôi lợn rừng, ấp trứng gia cầm, nuôi dê, nuôi giun đất…

Điểm đặc biệt trong những cuốn sách của ông là có sự tham gia của những người nông dân sản xuất giỏi, điều mà ông rất tâm đắc về tính thuyết phục của những cuốn sách.

Với bộ sách 100 nghề này, Giáo sư Nguyễn Lân Hùng hy vọng sẽ là cẩm nang để người nông dân nắm được kỹ thuật mới, tự vươn lên trên chính ruộng vườn của mình, phát huy hết tiềm năng sinh học ở từng địa phương.

Theo Giáo sư, dạy nghề cho người nông dân hiện nay không đơn thuần là  nâng cao năng lực sản xuất  để họ có cuộc sống ngày càng khá giả mà còn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đây cũng là một trong những mục tiêu của Kế hoạch hành động giáo dục vì phát triển bền vững giai đoạn 2010-2014.

Mặt khác, 70% tương lai và sức mạnh của đất nước nằm ở vùng nông thôn nếu tính theo quy mô dân số. Nếu người dân vững về kinh tế mới có thể bảo đảm con cái họ có khả năng tiếp cận tốt nền giáo dục.

Hiện tại Việt Nam chưa thiết lập được hệ thống hiệu sách riêng chuyên biệt cho nông nghiệp khiến người nông dân gặp khó khăn trong việc đi tìm những đầu sách cần thiết để học nghề. Bản thân nhiều cuốn sách dạy nghề ra đời chưa đáp ứng được tiêu chí ngắn gọn, xúc tích, và dễ hiểu khiến hiệu quả của việc tự học của người nông dân giảm đi đáng kể.

Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Lân Hùng cho biết, việc huy động nguồn lực tài chính cho Chương trình của mình đang gặp khó khăn. Thực tế, các nhà tài trợ có thể chi hàng tỷ đồng để đầu tư cho một đội bóng đá nhưng dường như đầu tư cho phát triển nông thôn thì họ vẫn còn vắng bóng.

Giáo sư bày tỏ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng tham gia dự án biên soạn bộ sách này mà ông ước tính chi phí  khoảng 1 tỷ đồng.

Nguồn: Chinhphu.vn

Đọc thêm