Làm sao triệt xóa tội phạm cho vay nặng lãi?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Bản kết luận điều tra sự việc cha con “đại gia” Lê Thái Thiện (SN 1965, tên gọi khác Thiện Soi) - Lê Thái Phong “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” mà Công an Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa ban hành, khiến dư luận một lần nữa băn khoăn.
Hinh minh họa,
Hinh minh họa,

CQĐT xác định nhiều người vay tiền của Thiện, trong đó tổng số tiền gốc gần 330 tỷ đồng, lãi suất từ trên 100% đến gần 150%/năm. Đến khi bị khởi tố, bắt giam vào đầu năm 2021, Thiện đã thu về số tiền lãi gần 99 tỷ đồng.

Những “con nợ” của cha con Thiện cứ 10 ngày sẽ phải thanh toán lãi một lần, nếu chưa trả, phải viết giấy vay tiền mới với số tiền cũ chưa trả được cộng cả lãi vào. Do “lãi mẹ đẻ lãi con” và lãi suất thuộc dạng “cắt cổ”, nhiều người phải gán đất đai, tài sản cho Thiện. Hiện CQĐT đã kê biên hàng trăm bất động sản đứng tên Thiện cùng những người thân.

Tiền đâu để lấy cho vay? Ngoài tiền của bản thân mình, Thiện còn vay tiền một số người, sau đó cho vay lại với lãi suất cao. Nhiều người cho cha con Thiện vay với mức lãi 2-6%/tháng. Nhưng có những đối tượng như Lâm Thị Thu Trà (một “đại gia” có tiếng Vũng Tàu) và Đặng Thị Tuyết Lan nhiều lần cho Thiện vay với tổng số tiền 9,5 tỷ đồng, lãi suất 109%/năm, cao gấp 5 lần theo quy định về lãi suất cho vay của Bộ luật Dân sự. Hiện Trà và Lan cũng đã bị bắt về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, trong vụ án mà Thiện là… nạn nhân.

Nói cách khác, điểm đặc biệt trong vụ án này là đã hình thành cả một hệ thống cho vay nặng lãi nhiều tầng nấc và người chịu hậu quả nặng nề nhất là những người dân ở điểm cuối của “chuỗi thức ăn”. Trong vụ án này, đã hình thành một “tầng lớp” chuyên nghề cướp mồ hôi công sức của những người thực sự có nhu cầu vay tiền.

Nghề cho vay lãi có lẽ là một trong những nghề cổ xưa nhất trên trái đất. Cho vay nặng lãi cũng hình thành cùng thời điểm có hoạt động cho vay. Ai là người tìm đến các đối tượng cho vay “cắt cổ”? Thường có 3 dạng: Những người thực sự khốn khó, gặp những chuyện “cháy nhà chết người” cấp bách; những người quá ham tiêu dùng đến mức mù quáng bất chấp hậu quả; những người kẹt tiền đầu tư vào một thương vụ nào đó gấp gáp và tự tin “tiền sẽ đẻ ra tiền”, nhưng thực tế không được như mong muốn… Và như vậy, tất cả các dạng đối tượng tìm đến cho vay nặng lãi đều có một điểm chung là cần thiết tiêu dùng.

Nhận diện ra đặc điểm trên, để thấy rằng nếu xã hội ngày một phát triển, hệ thống tín dụng chính thống phủ khắp đến mọi nơi, mọi nhà, mọi người, thì nạn cho vay nặng lãi tự khắc sẽ bị triệt xóa. Ở rất nhiều quốc gia tiên tiến, quan điểm xã hội tiêu dùng rất phổ biển, nhưng mọi người sẽ dùng thẻ tín dụng ghi nợ, vay theo con đường chính thống, chứ không phải tìm đến “tín dụng đen”. Có thể tiêu xài trước rồi chấp nhận “kéo cày trả nợ” sau với mức lãi Nhà nước quy định, chứ không phải chịu cảnh bị “đầu trâu mặt ngựa” kéo đến uy hiếp mắng chửi tạt sơn, gán vợ đợ con, trốn chui trốn lủi…

Nhận diện ra vấn đề này để chúng ta càng tin tưởng, mong mỏi những kế hoạch Chính phủ số, nền kinh tế mà Việt Nam đang hướng tới sẽ sớm trở thành hiện thực.

Đọc thêm