Ông Bùi Đức Dụng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Phong (Kiến Thụy) vinh dự được tham gia cuộc giao lưu, tọa đàm các điển hình tiên tiến toàn quốc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại Hà Nội đầu năm 2010 xúc động nói: Đây là kỷ niệm đẹp, khó phai trong cuộc đời. Ông cho biết: điểm chung nhất của 68 tập thể, 144 cá nhân điển hình trong cả nước là thấm nhuần giá trị nhân văn sâu sắc tấm gương đạo đức của Người và làm theo Bác từ những việc giản dị hằng ngày.
|
Đồng chí Bùi Đức Dụng (đứng thứ 2 từ trái sang) cùng các đảng viên chi bộ thôn Kính Trực kiểm tra việc xây dựng khu di tích lịch sử Đầm Bầu Ảnh: Duy Lê |
"Học để làm người"
“Tuổi thơ tôi lớn lên cùng với những câu chuyện cha kể về Bác Hồ (ông 3 lần vinh dự được gặp Bác Hồ)-Ông Bùi Đức Dụng nhớ lại. Lần đầu khi Bác về thăm đơn vị pháo binh, lần hai tại công trường thủy lợi Bắc- Hưng- Hải và lần 3 là khi Bác về thăm Kiến An- Hải Phòng ngày 18- 1-1960. Hiện gia đình tôi còn giữ tấm ảnh người cha khi ấy là chủ nhiệm HTX nông nghiệp Tân Phong, cùng cụ Nguyễn Văn Hợp, bố của 4 liệt sĩ chống Pháp ở địa phương được Bác Hồ tặng hoa trong dịp Người về thăm tỉnh Kiến An. Khi còn nhỏ, cha hay cầm tấm ảnh này và xúc động kể cho các con nghe những kỷ niệm không quên về những lần gặp Bác. Hình ảnh Bác Hồ giản dị, quan tâm đến từng người, từng việc nhỏ, đẹp như ông tiên cứ lớn dần trong tâm trí mỗi chúng tôi. Cha mẹ hướng chúng tôi sống và làm việc theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ từ những việc nhỏ hằng ngày. Đặc biệt là lối sống giản dị, cần kiệm, quan tâm đến người khác. Khi gia đình và làng xã còn khó khăn, cha tôi có sáng kiến học theo Bác lập hũ gạo tình thương. Mỗi ngày cha mẹ bỏ một nắm gạo vào hũ, giúp những hộ nghèo trong thôn. Cha mẹ tôi khắc phục khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho các con học tập. Sau này, dù ở cương vị công tác nào, tôi cũng nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Học để làm việc, học để làm người, học để làm cán bộ".
“Cán bộ luôn vì dân”
Trong quá trình công tác, từ năm 1976 đến nay, dù ở cương vị nào, cán bộ chuyên môn hay lãnh đạo chủ chốt của xã Tân Phong, người chiến sĩ, thương binh Bùi Đức Dụng luôn tâm niệm 3 nguyên tắc: sống vì dân, đặt lợi ích nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham ô, lãng phí, cục bộ bè phái; xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với dân. Năm 1994, trên cương vị Chủ tịch UBND xã, ông Dụng chỉ đạo triển khai hàng loạt những chương trình mới, cùng tập thể kiến thiết nên một Tân Phong trù phú. Trước đó, Tân Phong không điện, không đường nhựa, các trường học đều sập sệ, xuống cấp nghiêm trọng…Để có hệ thống cơ sở hạ tầng, ông Dụng bàn bạc với các đồng chí trong ban lãnh đạo xã thực hiện xã hội hóa. Ngoài vận động các tổ chức, đòan thể, doanh nghiệp trong nước và thành phố, người con xa quê hương ủng hộ kinh phí, ông mạnh dạn đề nghị các đồng chí lãnh đạo cho xã mượn “sổ đỏ” vay vốn từ ngân hàng, huy động sức dân. Tân Phong cũng thành công trong quy hoạch đất đai, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Kể về thời kỳ xắn tay cùng đội ngũ cán bộ địa phương thực hiện dồn điền đổi thửa với khẩu hiệu "Dồn đổi ruộng đất, vẽ lại đồng quê, xây dựng hộ giàu, thôn mạnh", ông Dụng bộc bạch: "Thay đổi nếp suy nghĩ của người dân để hướng đến cái chung không dễ. Bởi vậy, chúng tôi luôn nêu cao tinh thần đảng viên đi trước, làng nước theo sau, cấp uỷ đi đầu, bí thư đột phá". Ông Dụng thuyết phục gia đình đồng thuận chuyển đổi 8 sào ruộng ở khu vực thuận lợi lấy mảnh ruộng ở chân ruộng trũng sâu, xa xôi. Phong trào dồn điền đổi thửa của Tân Phong đạt thành công lớn khi giảm 4.000 thửa toàn xã, chuyển đổi những vùng cấy lúa kém hiệu quả thành vùng trang trại, gia trại. Đến nay, trên địa bàn xã Tân Phong đã xây dựng 138 trang trại, gia trại đạt hiệu quả kinh tế cao. 4 làng văn hóa ở Tân Phong nhờ quy hoạch lại đồng ruộng, tổ chức lại sản xuất mà có quỹ đất xây dựng khu trung tâm văn hóa khang trang.
Năm 2009, Bí thư Đảng ủy xã Bùi Đức Dụng cùng các đồng chí trong cấp ủy Đảng thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh tập trung vào 2 việc. Đó là thay đổi tác phong làm việc, cải cách giờ giấc, nội dung, hình thức hội họp, tránh lãng phí thời gian làm việc và tạo điều kiện để người dân tham gia chống tham nhũng từ cơ sở. Đến nay, tất cả cán bộ, đảng viên làm việc ở xã đến công sở đúng giờ, tác phong làm việc khoa học. Việc tổ chức cuộc họp đi thẳng vào nội dung chính, sát thực tế, rút ngắn thời gian, ngồi họp theo đúng vị trí, chức danh…Nhờ thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch trong quản lý kinh tế theo chủ trương “5 bàn, 4 biết, 3 quản”, người dân xã Tân Phong được biết, được bàn, được kiểm tra. Bí thư Đảng ủy xã Bùi Đức Dụng tâm sự: Tôi và nhiều cán bộ, đảng viên, người dân khác ở Tân Phong đã và đang làm theo Bác từ những việc giản dị hằng ngày.
Hoàng Yên