Làm theo “ông dự báo”- dân lo chống hạn

Ở một số khu vực gieo sạ của xã Trấn Dương lúa mới gieo không thể ngoi lên được vì thiếu nước. Một số ruộng cạn nước, nứt chân chim. Tiến độ sản xuất vụ mùa của nông dân đã chậm lại càng chậm hơn vì thiếu nước ngay sau bão.

Anh Vũ Duy Tích, chủ nhiệm HTX nông nghiệp Trấn Dương (Vĩnh Bảo) cho biết: “Hiện nay, nhiều ruộng lúa ở xã rơi vào tình trạng thiếu nước, do hệ thống kênh mương đã rút gần hết nước đệm để sẵn sàng tiêu úng do theo dự báo có mưa rất to sau cơn bão số 1. Tiếc là sau bão, lại chẳng có một chút mưa nào. Thế là xã đang khó khăn về nước sản xuất do khô hạn và điện căng thẳng thì lại bị hạn thêm vì chủ động rút gần hết mực nước trong các kênh mương để chống úng sau bão”.

 

Nông dân xã Vinh Quang (Vĩnh Bảo) khẩn trương cấy lúa vụ mùa sau khi nguồn nước được bơm đủ Ảnh: Hoàng Phước

Nông dân xã Vinh Quang (Vĩnh Bảo) khẩn trương cấy lúa vụ mùa sau khi nguồn nước được bơm đủ

                                                                             Ảnh: Hoàng Phước

Ở một số khu vực gieo sạ của xã Trấn Dương lúa mới gieo không thể ngoi lên được vì thiếu nước. Một số ruộng cạn nước, nứt chân chim. Tiến độ sản xuất vụ mùa của nông dân đã chậm lại càng chậm hơn vì thiếu nước ngay sau bão. Không ít nông dân ở xã Tiên Cường (Tiên Lãng) tỏ ra bất ngờ vì sau bão số 1 không hề có mưa như dự báo. Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Tiên Cường phàn nàn: “ Xã tôi có 40 ha trồng dưa hấu, lại là vùng trũng nhất huyện nông dân lo ngập úng, sẽ làm hỏng dưa. Do vậy, 1 ngày trước bão, xã đồng loạt mở 4 cửa cống xả nước ra, đồng thời triệt tiêu mực nước đệm trong kênh mương ở mức + 3-4 m. Ai dè, sau bão không mưa, dưa thì không hỏng vì ngập úng, chỉ bị táp lá do gió mạnh, nhưng lúa thiếu nước. Hiện xã đang phải chờ mấy hôm tới có đợt nước triều cao lại lấy nước vào. Việc chờ đợi này cũng khiến tiến độ gieo cấy vụ mùa chậm lại”.

 

Tại các hệ thống thủy nông khác, mực nước đệm rút xuống quá thấp, gặp khó khăn cho công tác thủy lợi phục vụ sản xuất vụ mùa. Chẳng hạn như hệ thống thủy nông của huyện An Dương mực nước rút còn +3- 4m, hệ thống thủy nông của Tiên Lãng- Vĩnh Bảo cũng còn khoảng +5-6 m.

 

Ông Nguyễn Văn Trọn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đa Độ cho biết, để ứng phó với cơn bão số 1 được dự báo là có mưa rất to sau bão, lượng mưa dự báo là 200- 400 mm, ngay từ ngày 15-7, công ty đã cử cán bộ kỹ thuật bám sát diễn biến của thủy triều để tiêu nước đệm,  thông dòng, đảm bảo hạ mực nước trong hệ thống xuống cao trình dương 0,7 mét. Lực lượng lao động tại các cống, các trạm bơm đầu nguồn sẵn sàng trực 24/24 giờ làm nhiệm vụ chống bão và tiêu thoát nước trong điều kiện dự báo sẽ có mưa lớn trong bão. Chính vì thế, sau bão không hề có mưa đã khiến cho doanh nghiệp và nhiều địa phương bất ngờ, ồ ạt phải tìm cách đưa nước đầy lại toàn bộ hệ thống nhưng nhiều diện tích ở vùng cao vẫn rơi vào tình trạng thiếu nước, nông dân phải sử dụng gầu để tát nước.

 

Thực tế là trong suốt quá trình dự báo của cơn bão số 1, các đài khí tượng thủy văn đều khẳng định có mưa lớn sau bão, và mưa lớn vào đúng thời điểm có nước triều cường nên khó khăn cho việc tiêu thoát nước. Từ dự báo này, trong quá trình chỉ đạo phòng, chống cơn bão số 1, Ban chỉ huy PCLB- TKCN thành phố đặc biệt quan tâm đến việc chống ngập úng và tiêu thoát nước sau bão. Trong tất cả công điện khẩn của Ban chỉ huy, luôn nhấn mạnh yêu cầu các địa phương kiểm tra, xử lý các vị trí đê, kè, cống xung yếu, cửa khẩu qua đê, các công trình xây dựng ven biển. Kiểm tra, rà soát hệ thống công trình thuỷ lợi để sẵn sàng tiêu úng khi có mưa lớn. Sở Xây dựng và Công ty thoát nước xây dựng tới 4 kịch bản tiêu thoát nước cho khu vực nội thành đề phòng sau bão có mưa lớn, tránh bị thiệt hại vì ngập úng như Hà Nội. Các địa phương đều sẵn sàng các biện pháp để chống ngập úng cho lúa và hoa màu. Có thể thấy, dựa vào dự báo của ngành khí tượng thủy văn, các ngành, địa phương tại Hải Phòng đều đã sẵn sàng chuẩn bị biện pháp ứng phó phù hợp. Vẫn biết dự báo là cảnh báo để mọi người có biện pháp chủ động ứng phó. Tuy nhiên, khi dự báo chưa thực sự khoa học, chính xác và thuyết phục thì lại có hậu quả không như mong muốn. Do vậy, điều mà thành phố, các ngành, địa phương và người dân mong muốn nhất là có những dự báo thời tiết thực sự sát hơn, chính xác, khoa học hơn để từ đó thành phố, các ngành và địa phương ra được những quyết sách phòng, chống thiên tai phù hợp.

 

Vân Khánh

Đọc thêm