Lâm Thị Mỹ Dạ: Họ đã biến thành khoảng trời dưới hố bom

Tôi không thể ngờ mình có thể dấn bước trên con đường mình yêu thích dài lâu như thế. Số phận đã cho tôi nỗi cay đắng và cũng cho tôi sự ngọt ngào. Đến bây giờ nhìn lại vốn liếng văn thơ của mình tôi vẫn còn thấy lạ. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ (LTMD) đã tỏ bày như thế trong một cuộc trò chuyện ngắn với ĐNCT. Chị cho biết:

Tôi không thể ngờ mình có thể dấn bước trên con đường mình yêu thích dài lâu như thế. Số phận đã cho tôi nỗi cay đắng và cũng cho tôi sự ngọt ngào. Đến bây giờ nhìn lại vốn liếng văn thơ của mình tôi vẫn còn thấy lạ. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ (LTMD) đã tỏ bày như thế trong một cuộc trò chuyện ngắn với ĐNCT. Chị cho biết:

- Tôi đến với văn chương nói chung và thơ ca nói riêng bắt đầu từ những cuốn sách mà hồi nhỏ mẹ tôi thường đọc cho tôi nghe. Thuở bé tôi mê truyện cổ tích. Lớn lên tôi ham đọc truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ ca. Tôi đặc biệt biết ơn các thầy cô đã dạy và truyền cho tôi niềm say mê văn chương. Tôi nhớ mãi những giờ giảng văn vô cùng hấp dẫn và cuốn hút của thầy Lương Duy Cán (nhà thơ Hà Nhật) và thầy Phan Ngọc Thu. Tôi cũng vô cùng biết ơn nhà thơ Hải Bằng, nhà thơ Xuân Hoàng, nhà văn Trần Công Tấn đã phát hiện và dìu dắt tôi khi tôi chập chững bước vào làng thơ. Tôi không thể ngờ mình có thể dấn bước trên con đường mình yêu thích dài lâu như thế. Số phận đã cho tôi nỗi cay đắng và cũng cho tôi sự ngọt ngào. Đến bây giờ nhìn lại vốn liếng văn thơ của mình tôi vẫn còn thấy lạ.

* Chị đã sống ở tuyến lửa Quảng Bình trong những năm tháng vô cùng khốc liệt. Xin chị kể lại một kỷ niệm thời ấy mà chị không thể nào quên được.

- LTMD: Trong thời bom đạn khốc liệt ấy, có lần tôi đi thực tế trên tuyến đường Trường Sơn và gặp một tiểu đội gồm 7 cô gái thanh niên xung phong. Người tiểu đội trưởng có vẻ già hơn so với các bạn của mình. Tôi hỏi sao chị chưa giải ngũ? Chị tiểu đội trưởng có khuôn mặt gầy, khắc khổ kể với tôi rằng: Chị đã được giải ngũ cách đây ba năm. Lúc đó chị 24 tuổi. Quê chị ở Thanh Hóa, cách cầu Hàm Rồng mấy chục cây số. Về gần đến quê, chị chạy như bay. Vừa chạy vừa tưởng tượng giây phút gặp lại người thân, bà con, làng xóm. Nhưng khi về đến nơi, trước mắt chị là một hố bom sâu hoắm. Chị quỵ xuống, bất tỉnh. Ông bà, cha mẹ, anh em của chị đều nằm dưới hố bom... Chị như người mất hồn. Đó là những ngày kinh hoàng nhất trong đời chị. Thắp hương khấn vái ông bà, cha mẹ, anh em xong, chị quyết định khoác ba lô trở về đơn vị, tiếp tục chiến đấu trả thù cho người thân...

* Xin chị cho biết chị đã viết bài thơ Khoảng trời hố bom trong hoàn cảnh nào?

- LTMD: Đầu năm 1972, khi máy bay Mỹ quần đảo, ném bom triệt phá con đường lưu thông Nam - Bắc, đã có biết bao nhiêu người lính cảm tử, tự mình thắp lên ngọn đuốc, đánh lạc hướng máy bay địch, kéo luồng bom về phía mình để cứu con đường khỏi bị thương. Tôi nhìn xuống hố bom, nước đọng lại khoảng trời trong ngắt. Một cánh chim bay qua. Tôi thấy cả mặt trời cũng dừng lại nơi này. Tôi thầm hỏi với lòng mình: Những ai đã chết ở đây?

Những ai? Những ai?... Tôi nhớ đến những người lính cảm tử, những người nữ thanh niên xung phong mà tôi đã gặp. Biết đâu họ cũng đã biến thành khoảng trời dưới hố bom này? Tôi gọi thầm: Các bạn ơi! Các bạn ở nơi nào? Không có tiếng trả lời, chỉ có khoảng trời vời vợi nhìn tôi... Tôi đã viết một mạch bài thơ Khoảng trời hố bom trong nguồn cảm xúc dâng trào...

* Chị muốn nhắn gửi điều gì với thế hệ trẻ hôm nay qua bài thơ này, thưa chị?

- LTMD: Khi viết bài thơ Khoảng trời hố bom, tôi không nghĩ bài thơ có thể sống đến bây giờ. Thông qua bài thơ này tôi muốn nhắn gửi với các bạn trẻ hôm nay và mai sau rằng: Chúng ta được sống trong hòa bình là nhờ sự hy sinh quên mình của những lớp người đi trước, trong đó có những cô gái thanh niên xung phong. Nhà phê bình Hoài Thanh nhận xét: “Khoảng trời hố bom là một tượng đài bằng thơ và đẹp như thơ”.

Mai Văn Hoan (Thực hiện)

Đọc thêm