“Làm tiền” trước cổng chùa

Cổng chùa trở thành nơi “kiếm chác” của nhiều người trong thời điểm khách thập phương nườm nượp đi cầu an đầu năm.

Cổng chùa trở thành nơi “kiếm chác” của nhiều người trong thời điểm khách thập phương nườm nượp đi cầu an đầu năm.

Buôn bán xôm tụ, vô tư hét giá

Khách đi chùa cần biết “mặc cả” giá giữ xe?!. TRONG ẢNH: Các điểm “giữ xe đi chùa” trên đường vào khu danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Khách đi chùa cần biết “mặc cả” giá giữ xe?!. TRONG ẢNH: Các điểm “giữ xe đi chùa” trên đường vào khu danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Mặc dù những tấm bảng yêu cầu không tụ tập buôn bán hàng rong được đặt rất bắt mắt trước cổng chùa Bát Nhã, nhưng nơi đây vẫn bị biến thành cái… chợ chim và nhang. Khách vừa chân ướt chân ráo tới chùa, lập tức sẽ bị một vài người ôm nhang và lồng chim chạy đến mời chào. Mỗi “bó” nhang 9 cây, giá 2 nghìn đồng. Một lồng chim sẻ 5 con, giá 60 nghìn đồng. Không chỉ làm ăn trước cổng chùa, một vài người còn mang cả những lồng chim nhỏ vào thẳng các điểm thắp hương trong sân chùa để bán. Việc mua-bán diễn ra gọn lẹ, nhanh chóng. Khác với ngày thường, thời điểm đông người đi cầu an, khu vực này cũng vì thế xôm tụ hơn hẳn.

Trong khi đó, đoạn đường Huyền Trân Công Chúa, nơi dẫn đến các ngôi chùa thuộc khu danh thắng Ngũ Hành Sơn mọc lên khá nhiều điểm giữ xe trong nhà. Theo quy định của UBND thành phố, các điểm giữ xe tại khu vực chợ thành phố chỉ được lấy mức giá 1.000đ-2.000đ/lượt xe, khu vực danh lam thắng cảnh, vui chơi giải trí chỉ có thể thu phí 2.000đ-3.000đ/lượt xe... Tuy vậy, tại đây, du khách phải “bấm bụng” trả 5.000đ cho một lần gửi xe máy.

Nỗi lòng nhà chùa, ai tỏ?

Đại đức Thích Chúc Tín, trụ trì chùa Bát Nhã cho hay, cách đây vài tháng, quý thầy có viết một bức thư dài hai trang giấy, dán trước chùa, nêu những thực trạng đáng buồn trước và trong sân chùa; qua đó mong muốn mọi người cùng chung tay giữ gìn cảnh quan của chùa. Thế nhưng,  hầu như rất ít người quan tâm đến những lời tâm sự này.

Với tình trạng mất trật tự do những người buôn bán hàng rong gây nên, nhà chùa chỉ có thể nhắc nhở nhẹ nhàng. Thi thoảng, chùa phải nhờ đến lực lượng bảo đảm an ninh địa phương xử lý những trường hợp ẩu đả do tranh giành khách.

Mô tả ảnh.
Chim, nhang được bày bán trước cổng chùa Bát Nhã.

Để hạn chế số người tụ tập bán nhang vào các ngày cao điểm; đồng thời tránh lãng phí do lượng nhang bị đốt hằng ngày hiện quá lớn, vào các ngày 14, 15, 30 và mùng 1 âm lịch hằng tháng, chùa Bát Nhã phát hương miễn phí với số lượng mỗi người chỉ được 3 cây. Hai năm trở lại đây, hoạt động cầu an từ ngày mùng 8 đến 15 tháng giêng âm lịch được nhà chùa tổ chức vào ban đêm và hoàn toàn không có chuyện nhang khói. Đại đức Thích Chúc Tín cũng mong mỏi lãnh đạo thành phố có những quy định và phân trách nhiệm rạch ròi cho các cơ quan chức năng, nhằm giữ cho các chùa chiền trên địa bàn thành phố thực sự là ngôi nhà chung về tâm linh của mọi người.

Còn theo một cán bộ thuộc Ban Quản lý khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, người đi chùa tốt nhất phải biết... mặc cả. Trước khi gửi xe, mọi người cần hỏi rõ giá cả, chỗ nào rẻ mới cho xe vào!

“Trên tinh thần của đạo Phật, phóng sanh là “phóng” đi những điều dơ bẩn gây xung đột cho chính mình, gia đình và xã hội, để từ đó nuôi dưỡng lòng từ bi và sống hòa hợp với mọi thứ xung quanh. Như vậy, cứ thả chim rồi lại vào nhà hàng... ăn cá, hay ăn nói nặng lời với người thân thì phóng sanh cũng không mang lại giá trị tích cực. Con người ta đã tự biến việc phóng sanh thành chuyện làm ăn kinh tế”. (Đại đức Thích  Chúc Tín, trụ trì chùa Bát Nhã).

Bài và ảnh: THU HOA

Đọc thêm