Nhãn một nơi, chất lượng một nẻo
Siêu thị FIVIMART “có mặt” khá lâu trên phố Đại La, quận Hai Bà Trưng. Lướt qua một loạt các mặt hàng ở quầy bán rau quả củ tươi có thể thấy đa số hàng được dán mác sản xuất tại thôn Đông, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, nơi được cho là vùng chuyên cung cấp rau sạch ở Hà Nội. Trên quầy là những mớ rau giập nát, khô héo đã bắt đầu bốc mùi, những gói củ, quả xác xơ, quắt queo. Ở nơi bán hoa quả tươi, những quả bưởi mang thương hiệu nội địa nổi tiếng Năm Roi thì mốc meo nằm trong giỏ nhựa.
Khu bán hoa quả nhập ngoại sáng choang ánh đèn với vô số táo, nho… đủ màu sắc, mang “mác” Mỹ, Úc, Pháp, Hàn Quốc, Thái Lan…, nhưng khi lại gần thì không ít quả đã bị giập nát và thối cuống. Đa số các mặt hàng này chỉ ghi chung chung xuất xứ (tên nước), mà không đề cập cơ sở nào đóng gói, ngày sản xuất, hạn sử dụng (HSD). Trong khi đó, tất cả các thông tin này yêu cầu phải có trên nhãn mác.
Còn siêu thị OCEAN MART khai trương cách đây không lâu trên phố Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa dễ khiến khách choáng ngợp bởi những giỏ hoa quả (táo, nho, bơ...), với đa dạng màu sắc và chủng loại nằm trên các ngăn kệ. Nhưng khi lại gần thì hiện trạng của chúng cũng không sáng sủa hơn siêu thị FIVIMART là bao.
Nhãn mác vẫn là chuyện đáng bàn khi hầu hết các loại rau, củ quả đều chỉ ghi chung chung xuất xứ chứ không rõ địa chỉ cụ thể, ngày đóng gói… Và rất nhiều mặt hàng do chính siêu thị tự đóng gói nên khó lòng biết được chúng được sản xuất và thu hoạch từ bao giờ. Nhiều mặt hàng có ghi ngày sản xuất nhưng lại “quên” ghi HSD. Có sản phẩm thì lại nhầm cách bảo quản với cách dùng (cá nục sạch, Công ty Cổ phần Chế biến và XNK thủy sản Đại An)… Trước đó không lâu, các lỗi vi phạm này cũng đã bị cơ quan chức năng phát hiện tại Big C và OCEAN MART Trung Hòa, nhưng không hiểu vì sao “bổn cũ” vẫn được “soạn lại” tại đây.
“Mục kích” khu bán đồ đông lạnh và thức ăn chín tại HIWAY, siêu thị đứng vào hàng “Topten” của Thủ đô ngự trên phố Ngọc Khánh, quận Ba Đình, khách cũng không khỏi rầu lòng. Nội dung các nhãn mác được doanh nghiệp ghi một cách mập mờ, khó hiểu. Cụ thể, các loại thực phẩm chín đã được chế biến sẵn được ghi sử dụng trong ngày (có ghi ngày đóng gói và ngày sử dụng), nhưng đóng gói vào giờ nào trong ngày thì chỉ có… “trời” mới biết. Mặt hàng đông lạnh như nộm sứa biển với các gia vị ngâm tẩm như nhau, nhưng lại có HSD không nhất quán với nhau đối với từng cơ sở sản xuất.
Quầy thức ăn chín có đủ mặt hàng bày bán. Chân gà tẩm, nướng, cơm rang thập cẩm, cá kho, thịt rán, sa lát Nga… bày la liệt nhưng đều… chung một tủ. Những chú vịt quay, nướng… kiểu Bắc Kinh được bày “tơ hơ” trên các khay inox, ai cũng có thể sờ tay, thậm chí là ngửi trong khi quy định các loại thức ăn này phải được để trong tủ kính, đó là chưa nói đến nguồn gốc, xuất xứ các loại gia cầm này ở đâu không ai biết…
“Niềm tin đặt nhầm chỗ”
Chỉ có thể sờ, nắn và nhận xét về chất lượng các thực phẩm bằng cảm quan của mình, vậy nên khách hàng chỉ biết tin vào lương tâm của các nhà sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, niềm tin ấy dường như đang bị đặt nhầm chỗ trước cảnh tượng “mục sở thị” như trên.
Những siêu thị lớn thường “được tiếng” “làm ăn” cẩn thận nhưng cũng vẫn có những nhà quản lý tồi, những nhân viên không tốt, vì “chạy” doanh số sẵn sàng “bật đèn xanh”, tiếp tay cho các sai phạm. Bởi vậy thực phẩm bẩn vẫn lọt được vào các siêu thị này cũng là điều dễ hiểu. Các siêu thị nhỏ hơn thì thực trạng này cũng phổ biến hơn.
Một nhân viên từng công tác tại một công ty xuất nhập khẩu ngao ngán cho biết thêm. “Ngoài các siêu thị, lỗi từ các nhà sản xuất và nhập khẩu là vô cùng lớn!”. Theo vị này thì việc thay đổi nhãn mác không có gì khó khăn. Không chỉ các siêu thị mà ngay từ khâu nhập khẩu, nhãn mác của các sản phẩm đã bị “phù phép”. Bởi thực tế, nếu không làm lại mác, thời hạn sử dụng của lô hàng sẽ chẳng còn bao lâu.
Thực tế trên càng khiến người tiêu dùng “mơ hồ” hơn về chất lượng của các mặt hàng, nhất là các thực phẩm tươi sống. “Từng làm việc ở siêu thị nên tôi biết quá rõ chất lượng một số mặt hàng ở đây như thế nào. Bởi vậy, khi đi siêu thị tôi chỉ mua các mặt hàng gia dụng, quần áo..., còn thịt cá, rau cỏ thì cứ ra chợ mà mua, vừa tươi, vừa rẻ, tội gì ăn đồ đắt mà chả biết có an toàn không?”, chị Lan Anh (37 tuổi), khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình chia sẻ./.