Lấn chiếm ngõ đi chung: hẹp lối, hẹp lòng

Không chỉ ở nơi đất chật người đông, người ta mới đua nhau lấn chiếm ngõ đi chung để cơi nới nhà cửa mà ngay ở vùng nông thôn, nơi nhiều hộ gia đình còn chưa có điều kiện sử dụng hết diện tích đất và có hàng chục ngàn mét vuông đất làm “của để dành” cũng cố “làm một tý” đất công với tâm lý: người ta lấn được, mình không lấn thì... thiệt. Tâm lý “tiếc của” (những thứ không thuộc sở hữu của mình) đã xảy ra bao hệ lụy khôn lường. 

Không chỉ ở nơi đất chật người đông, người ta mới đua nhau lấn chiếm ngõ đi chung để cơi nới nhà cửa mà ngay ở vùng nông thôn, nơi nhiều hộ gia đình còn chưa có điều kiện sử dụng hết diện tích đất và có hàng chục ngàn mét vuông đất làm “của để dành” cũng cố “làm một tý” đất công với tâm lý: người ta lấn được, mình không lấn thì... thiệt. Tâm lý “tiếc của” (những thứ không thuộc sở hữu của mình) đã xảy ra bao hệ lụy khôn lường.   

Thành thị: lấn đất, lấn cả không gian

Có thể nói, đồng hành cùng với tốc độ phát triển mạnh của nền kinh tế, đặc biệt là khi giá mỗi mét vuông đất được thổi lên không ngừng là hiện tượng lấn chiếm ngõ đi chung ngày càng ở mức báo động. Có những vụ kéo dài dai dẳng hàng chục năm, gây bức xúc trong dư luận nhưng đến nay vẫn chưa có hồi kết. Nhiều người nói không ngoa rằng: lòng đường, lối đi và lòng người ở nhiều nơi dường như ngày càng nhỏ lại và hẹp dần.

Không ít hệ lụy, rắc rối từ việc lấn đất
Không ít hệ lụy, rắc rối từ việc lấn đất

Một số trường hợp vì tranh chấp ngõ đi chung mà dẫn đến ẩu đả, gây thương tích nặng mà chính quyền sở tại các cấp đều bó tay bất lực, sau đó phần thắng luôn luôn thuộc về kẻ mạnh. Sự ngang ngược, lộng hành kéo dài nhiều năm vẫn không thể nào giải quyết được, như ở phường 9, quận Phú Nhuận (TP.Hồ Chí Minh); xã Tây Mỗ (huyện Từ Liêm, TP.Hà Nội); phường Trúc Bạch và đường Điện Biên Phủ (quận Ba Đình - TP.Hà Nội).v.v….

Việc lấn chiếm ngõ cũng muôn hình vạn trạng. Bên dưới thì mạnh ai nấy xây, nào tường rào, bếp, vệ sinh, thậm chí cả chuồng nuôi chó, mèo… lấn ra tới 1/3 ngõ; bên trên thì các nhà thi nhau đua ban công lấn hết không gian. Bởi vậy mà có rất nhiều những con ngõ rộng thênh thang đầy nắng và gió lộng, trước đây người và các loại xe đi lại thoải mái, nhưng thời gian gần đây, các con ngõ này như một cái hang sâu thẳm, tối như hũ nút, người đi bộ và xe máy tránh nhau còn khó, còn xe ô tô con thì đành “bó tay” từ xa.

Chính tình trạng mạnh ai nấy xây đã dẫn đến hậu quả nhãn tiền ngay trước mặt đó là những gia đình chẳng may có hỏa hoạn, nếu gọi được xe cứu hỏa đến thì cũng đành bất lực. Hoặc nếu gia đình nào có  người ốm đau là phải khiêng ra tận ngoài đường phố chính mới có thể thuê xe chở đi bệnh viện.

“Thời buổi đất đai lên giá, tổ dân phố cũng đã nhiều lần họp đề nghị mỗi nhà nên trả lại phần đất đã lỡ xây trên ngõ để bà con đi lại được thuận tiện, nhưng họ đòi chính quyền phải đền bù hơn trăm triệu một m2. Giá như mỗi người đều nghĩ đến cái lợi ích chung, như ở nước ngoài, nhà ở có thể chật hẹp nhưng đường ngõ đi lại phải được thuận tiện, thông thoáng như mạch máu trong cơ thể thì đâu đến nỗi này! ”-  một bác cựu chiến binh phường Thành Công, quận Ba Đình (Hà Nội) ngậm ngùi.

Nông thôn: thừa đất vẫn lấn chiếm

Nếu ở thành thị vì điều kiện đất chật, người đông nên dân tình “ăn bớt” đất của ngõ đi chung đã đành, không ngờ khi về nông thôn- vùng đất rộng thẳng cánh cò bay-tình trạng lấn chiếm đất công để làm của riêng cũng không phải hiếm. Rõ ràng, khi tấc đất trở thành tấc vàng thì ở đâu cũng vậy, người dân đều chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt.

Cách đây chừng 6-7 năm, ở nhiều vùng thôn quê, đường làng, ngõ xóm thường rộng tối thiểu là 5-6 m, nhưng nay chúng đã bị thu hẹp lại còn ½, cá biệt có nơi con đường làng chỉ còn chưa đầy 2m. Mặc dù nhiều nhà có tới hàng trăm, hàng nghìn m2 đất chưa hề sử dụng nhưng do thấy nhà trước lấn chiếm được nên nhà sau bắt chước làm theo cho đỡ... thiệt thòi. Vậy là nhà nhà thi nhau xây tường rào, đào ao, xây trang trại lấn ra ngõ đi chung - những nơi chắc chắn không phải đất của nhà mình. Ai nói mặc ai, ai lên tiếng bất bình cũng mặc kệ.

Đáng buồn là chính quyền địa phương nhiều nơi lại coi chuyện này là nhỏ, chỉ là những va chạm thường tình ở láng giềng, lối xóm, ngại đụng chạm rồi tặc lưỡi cho qua, bất chấp kỷ cương, luật lệ. Một cụ cao niên tại một ngôi làng thuần nông thuộc huyện Ân Thi (Hưng Yên) từng than thở:

“Nhiều người không ý thức được rằng nơi ở và sinh sống của cả cộng đồng, khi đường xá, ngõ hẻm càng thông thoáng, giao thông càng thuận tiện thì giá trị vị trí nơi ở và chất lượng cuộc sống sẽ được nâng lên. Rất nghịch lý là nhà nhà đều có đất rộng hàng nghìn m2 nhưng ngõ đi chung thì quá nhỏ, chỉ cần một chiếc ta-xi vào đưa đón khách hay đưa người đi bệnh viện, chở vật liệu xây dựng để sửa chữa, xây dựng nhà ở, công trình phụ là cả khu xóm phải ngừng đi lại, rất khó khăn. Nếu xảy ra sự cố về thiên tai, hỏa hoạn, cấp cứu v.v…thì hậu quả sẽ không thể lường hết được”.

Đất chiếm dụng cũng được hợp thức hóa

Trên thực tế, không ít những phần đất bị lấn chiếm đã và đang được các hộ gia đình tìm cách hợp thức hóa trên bản đồ địa chính của chính quyền địa phương, có những thửa đất đã được cấp sổ đỏ. Không ít người lo lắng, bởi cứ theo đà này, sau vài năm nữa, nhiều nơi sẽ không còn đường, ngõ đi lại.

Trong khi đó, theo nhiều ý kiến thì những quy định pháp luật về nguồn gốc đất tự khai thác, sử dụng theo luật Đất đai từ năm 1993 trở về trước, trong một số trường hợp sẽ được nộp thuế, lệ phí để được hợp thức hóa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chưa hợp lý, thiếu cơ sở khoa học và là kẽ hở dễ bị lợi dụng.

Chính vì “cơ chế linh động” này mà ngày càng làm gia tăng nạn chiếm bừa đất công và đường ngõ đi lại, gây cản trở giao thông; nếu ai đó có ý kiến phản đối thì ngay lập tức bị đe dọa hoặc bị trả thù, khi người có trách nhiệm lên tiếng thì được người vi phạm giúi cho cái phong bì là mọi chuyện sẽ êm. “Đa kim ngân phá luật lệ” có lẽ xuất phát từ những thực tế đáng buồn này.

Ngoài ra, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/05/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng còn nhiều điểm chưa được hướng dẫn sát với thực tế. Nếu là đất tự vỡ hoang, khai thác ngoài đồng, ngoài bãi, bờ sông, những nơi hoang hóa thực sự thì phải đóng thuế và các lệ phí để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là hợp lý.

Còn việc một số đối tượng lại “vỡ hoang” trên ngõ đi chung, “khai thác” đất công chưa được sử dụng vào mục đích chung và lợi ích công cộng, sau đó chỉ đóng một ít tiền lệ phí, thuế (và “làm luật”) là được phép sử dụng lâu dài, được cấp sổ đỏ hoặc được chuyển nhượng, mua đi bán lại, gây ách tắc, cản trở sự đi lại cho cả cộng đồng dân cư hiện tại và lâu dài là điều không thể chấp nhận được.

Hoàng Cung

Đọc thêm