Lấn chiếm vỉa hè trước công sở

Một việc khá phổ biến hiện nay là mặt tiền công sở nằm trên các trục đường chính, thuận lợi mua bán đã bị người dân sử dụng vào nhiều mục đích như buôn bán, để xe, tập kết vật liệu... Tình trạng này ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường và mất trật tự an toàn giao thông, thế nhưng việc xử lý gần như không có kết quả.  

Một việc khá phổ biến hiện nay là mặt tiền công sở nằm trên các trục đường chính, thuận lợi mua bán đã bị người dân sử dụng vào nhiều mục đích như buôn bán, để xe, tập kết vật liệu... Tình trạng này ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường và mất trật tự an toàn giao thông, thế nhưng việc xử lý gần như không có kết quả.

Trước cổng Bệnh viện C Đà Nẵng lúc nào cũng trong tình trạng lộn xộn như thế này.


Trụ sở của Đội CSGT Công an quận Hải Châu (số 3 Yên Bái) có thể nói là một ví dụ tiêu biểu cho tình trạng này. Suốt một đoạn mặt tiền của cơ quan này và của Công an quận Hải Châu dài khoảng 100 mét, kéo dài từ vị trí gần đường Lê Duẩn đến đường Phan Đình Phùng chỉ còn khoảng 10 mét ngay khu vực nhận-trả hồ sơ và để người dân đưa mô-tô đến làm thủ tục đăng ký là chưa bị lấn chiếm, còn lại “được” mấy người bán bún, cà-phê và bán báo “chiếm lĩnh”. Đã vậy, nhiều lúc đoạn vỉa hè ngắn ngủn còn lại cũng bị lấn chiếm gần hết bởi những khách ăn bún gần đó để xe hết cả vỉa hè. Nhiều lúc ô-tô của Đội CSGT quận chở xe máy vi phạm về tạm giữ tại đây phải bấm còi inh ỏi mới có lối đi vào. Tình trạng này cứ tái diễn nhiều lần, đến nỗi Đội CSGT quận phải dán một tờ giấy “Cấm đậu, đỗ xe trước cổng ra vào”, thế nhưng gần như chẳng ai để ý, vỉa hè vẫn bị lấn chiếm.


Với Đội CSGT cũng không thể “thoát” cảnh vỉa hè trước cơ quan bị lấn chiếm như vậy, thì cũng dễ hiểu vì sao rất nhiều cơ quan khác rơi vào cảnh tương tự. Bệnh viện C, sau một thời gian nâng cấp sửa chữa đã có bộ mặt khá khang trang, từ hệ thống các khoa phòng, sân bệnh viện đến cổng ngõ-tường rào. Tuy nhiên, lãnh đạo bệnh viện này không thể làm gì để giải tỏa được cảnh nhếch nhác trên vỉa hè ngay trước cổng bệnh viện. Suốt cả ngày lẫn đêm, ngay khu vực cổng bệnh viện luôn là địa chỉ tập kết gần chục xe ôm và những người bán dạo.

Đã vậy, những người này còn biến cổng bệnh viện trở thành nơi ăn, nằm, nghỉ ngơi và cả việc vệ sinh cá nhân trong lúc chờ khách. Tối đến, nơi này trở thành điểm nhậu khá rôm rả. Hôm có bóng đá, chủ quán còn đem cả ti-vi ra “truyền hình trực tiếp”. Cách đó vài chục mét là Bệnh viện Đà Nẵng còn rơi vào tình cảnh tệ hơn. Trước khu vực 2 cổng bệnh viện là đường Hải Phòng và đường Quang Trung, lúc nào cũng “thường trực” cảnh bát nháo, mất vệ sinh, do có quá nhiều người buôn bán và xe ôm hoạt động cả ngày lẫn đêm. Để trả lại mỹ quan cho khu vực trước cổng bệnh viện, đồng thời bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là xe cấp cứu ra vào, Bệnh viện Đà Nẵng đã phối hợp với Công an phường Thạch Thang xử lý, nhưng trên thực tế, tình hình không cải thiện được bao nhiêu.


Ngay đến khu vực trước các trường học, nơi cần một không gian yên tĩnh và văn minh cũng trở nên bát nháo, điển hình như trường hợp của Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (quận Sơn Trà). Toàn bộ 23 lớp học của trường đều nằm tiếp giáp với đường nội bộ nối hai đường Nguyễn Duy Hiệu và đường Nguyễn Văn Thoại. Trên đoạn vỉa hè này có hơn 10 quán bánh xèo hoạt động suốt từ sáng đến tối, khiến cho học sinh lúc nào cũng phải ngửi mùi than tổ ong và mùi dầu mỡ bay lên.

Trường đã có công văn đề nghị UBND phường An Hải Đông giải quyết và kết quả là phường yêu cầu các hộ chỉ được kinh doanh từ sau 17 giờ 30 hằng ngày. Mặc dù vậy, theo phản ánh của nhà trường, trên thực tế các quán bánh xèo vẫn hoạt động suốt cả ngày, thế nhưng trường cũng không thể làm gì hơn ngoài việc tiếp tục gửi đơn nhờ các cơ quan chức năng giải quyết. Đây cũng là khó khăn chung của lãnh đạo các đơn vị có mặt tiền trước trụ sở bị lấn chiếm.


Chẳng lẽ cơ quan chức năng bó tay với tình trạng này?


Bài và ảnh: Thanh Vân

Đọc thêm