"Làn sóng" bán tháo đất Ba Vì

Sau khi Hà Nội có kiến nghị không dời trung tâm hành chính lên Ba Vì, một làn sóng bán tháo đất tại đây bắt đầu xuất hiện, dù những khoản lỗ của nhiều nhà đầu tư là không hề nhỏ.

"Làn sóng" bán tháo đất Ba Vì.
"Làn sóng" bán tháo đất Ba Vì.

Sau khi Hà Nội có kiến nghị không dời trung tâm hành chính lên Ba Vì, một làn sóng bán tháo đất tại đây bắt đầu xuất hiện, dù những khoản lỗ của nhiều nhà đầu tư là không hề nhỏ.

Giá đất tại Ba Vì đã chững lại và giảm từ vài tháng nay. Tuy nhiên, kỳ vọng về một trung tâm hành chính trong tương lai tại đây vẫn đè nặng lên quyết định "cắt lỗ" của nhiều nhà đầu tư, ít nhất là đến thời điểm trước khi kiến nghị của lãnh đạo Hà Nội được gửi lên Thủ tướng.

Vạn người bán, không người mua

Trở lại Ba Vì sau gần 4 tháng, mọi chuyện nơi đây xem ra đã có nhiều thay đổi so với thời “sốt đất”. Nói là đất ở khu vực Ba Vì, song tại thời điểm đầu tháng 5, những khu vực lân cận như Phú Cát (Quốc Oai), Thạch Hòa (Thạch Thất) hay Cổ Đông (Sơn Tây)... mới là những khu vực “hot” nhất, và được giới săn đất quan tâm nhất.

Dọc tuyến quốc lộ 32 Xuân Mai - Sơn Tây, vẫn còn lác đác các văn phòng môi giới, các trung tâm nhà đất, tuy nhiên cảnh tượng mua bán đã không còn được rôm rả như 4 tháng về trước.

Thấy người ghé vào hỏi mua đất, bà Lê Thị Tám, chủ văn phòng nhà Đất Đăng Khang nằm ngay ngã từ Quốc Oai - Sơn Tây vẫn vui vẻ tiếp khách, giới thiệu về mảnh này, mảnh nọ như bà vẫn làm từ hồi hồi sốt đất.

Tuy nhiên, bằng trực quan cũng có thể nhận thấy, sự nhiệt tình trong môi giới và “quảng cáo” về các lô đất của bà Tám đã “giảm lửa” đi nhiều so với thời sốt nóng.

“Sau khi giá đất giảm từ hồi tháng 6, tôi không kiếm nổi đồng nào từ nghề tay trái này. Toàn người hỏi lên, hỏi xuống, nhưng không ai mua. Tôi cũng đoán nhiều người đến hỏi là nhà báo, hay cán bộ thanh tra trên huyện, thành phố xuống, nhưng không tiếp thì không được chú ạ”, bà Tám nói.

Để mô tả thêm về sự trầm lắng mua bán nơi đây, bà Tám nói, phần lớn đất được mua bán từ hồi sốt đến giờ vẫn thuộc sở hữu của những người từ nơi khác đến đầu tư. Hồi tháng 5, tháng 6, khi giá bắt đầu giảm, họ vẫn còn quyết “vứt đấy” chứ số người chấp nhận bán lỗ là không nhiều.

Thế nhưng, không hiểu sao từ gần một tháng nay, ôtô biển xanh, biển trắng lại bắt đầu vào làng ngày một nhiều. Rồi dần dần, có nhiều người đến nhờ bà Tám bán miếng này, miếng kia thì mới biết họ bắt đầu bán đất nơi đây và hứa trả công môi giới cao hơn nhiều hồi sốt đất.

Còn trên đường vào thôn 6, 7 của xã Phú Cát, những “cò” đất nơi đây có vẻ như lại được tiếp tục công việc của mình sau vài tháng tạm nghỉ. Nhưng trái ngược với lúc sốt đất, khi họ chủ yếu kiếm tiền từ người mua, thì nay họ lại được người bán “chăm sóc”, thậm chí có người còn được ứng tiền trước.

Một “cò” tên Trọng tại thôn 7 Phú Cát, nói cả tuyến đường chính liên thôn của xã này, 100% là đất của các chủ đầu tư dưới Hà Nội lên, và họ đang rất cần bán từ khoảng 3 tuần nay.

“Thằng em tôi nó làm trên huyện bảo rằng, họ không chuyển cơ quan của Chính phủ lên đây nữa đâu. Hủy rồi! Giờ bán cũng không ai mua. Tôi lượn suốt trên trục đường này cả tháng nay, mà không có một mống nào hỏi hạn chuyện đất cát, trong khi chủ đất thì liên tục gọi điện hỏi tình hình”, Trọng nói.

Những lô đất trên trục đường chính thôn Phú Cát này giờ được rao bán với giá giảm hơn một nửa so với hồi sốt nóng nhưng vẫn không có ai hỏi mua.
Những lô đất trên trục đường chính thôn Phú Cát này giờ được rao bán với giá giảm hơn một nửa so với hồi sốt nóng nhưng vẫn không có ai hỏi mua.

Tại trụ sở UBND huyện Ba Vì chiều 26/8, Phó chủ tịch UBND Nguyễn Văn Hải cho biết, cũng giống như một số khu vực lân cận, phần lớn đất trên địa bàn được bán từ khi sốt đất đến nay đều nằm trong tay của những nhà đầu tư từ nơi khác, gần như không có dân địa phương tham gia đầu tư, lướt sóng.

Tuy nhiên, theo ông Hải, kể từ đó đến nay, những khu đất thuộc quyền của giới đầu cơ, ôm đất đã hoàn toàn “bất động”, không có giao dịch, vì không ai bán và cũng không có người mua. Gần đây, đã bắt đầu xuất hiện một số nhà đầu tư có ý định bán đất và chấp nhận lỗ, nhưng số người mua vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Có nên bán tháo?

Trong chuyến khảo sát giá đất tại khu vực Quốc Oai, Sơn Tây, Ba Vì ngày 26/8, chúng tôi tình cờ có cuộc tiếp xúc với một nhóm đầu tư từ nội thành Hà Nội lên tìm mối bán đất.

Anh Thành, một trong số những người đang cần bán đất, cho biết anh đang có gần 15 mét dài đất mặt tiền tại thôn Kim Sơn, khu vực dẫn vào trung tâm xã Yên Bài, nơi trước đây được trù tính sẽ đặt trung tâm hành chính quốc gia. Tại thời điểm sốt nóng, nhà đầu tư này đã phải chi gần 2,3 tỷ đồng để mua lô đất trên, tương đương với gần 150 triệu đồng/mét dài.

Chỉ sau đó một tháng, khu đất của anh đã giảm gần 20 triệu đồng/mét dài, tức là anh “mất đứt” khoảng 300 triệu đồng cho lô đất trên. Khi đó, dù có lỗ anh cũng nhất quyết không bán vì tin rằng, dù sao dời trung tâm hành chính và xây trục Hồ Tây - Ba Vì vẫn có nhiều khả năng sẽ được thông qua.

Tuy nhiên, ngay từ cuối tháng 7 vừa qua, sau khi nắm được thông tin Hà Nội sẽ từ bỏ ý định dời trung tâm hành chính lên Ba Vì, ngay lập tức anh đã thay đổi quan điểm theo hướng chấp nhận lỗ để “cắt đứt” với khái niệm... đất Ba Vì.

“Nghe bạn bè xúi giục đầu tư đất Ba Vì sẽ thu lợi tiền tỷ, vợ chồng tôi cũng liều “ném” vào đấy hơn 2 tỷ đồng. Thế nhưng, giờ tôi rao bán có 1,8 tỷ, rồi 1,5 tỷ cả tháng nay cũng không ai mua”, nhà đầu tư này nói.

Song cũng theo anh Thành, cũng nắm thông tin như anh nhưng một số đồng nghiệp có đất ở khu Ba Vì, Quốc Oai vẫn chưa có ý định bán. Bởi lẽ, họ tin rằng, việc thành phố tập trung đầu tư hạ tầng cho khu vực phía Tây trong thời gian qua chắc chắn phải có mục đích gì đấy.

Hơn nữa, theo những người này, qua thông tin trên báo chí thì hiện Bộ Xây dựng vẫn theo đuổi ý tưởng xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì, cho dù đường Láng - Hòa Lạc (nay là Đại lộ Thăng Long - PV) đã quá đủ cho một khu vực vốn chưa mấy phát triển như Sơn Tây – Ba Vì.

Anh Thành nói, những người quyết ôm đất đến thời điểm này vẫn tin rằng, việc Hà Nội kiến nghị không dời trung tâm hành chính lên Ba Vì cũng chỉ là đề xuất hiện tại. Không có gì khẳng định rằng, nay mai mọi chuyện lại không thay đổi. Đó là chưa kể đến chuyện quan trọng này phải do Chính phủ và Quốc hội quyết định.

Theo ông Nguyễn Thành Sơn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì, thực tế “cơn sốt đất Ba Vì” chỉ diễn ra trong vòng khoảng 1 tháng rưỡi, tức là chỉ từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6 là bắt đầu lắng xuống. Còn từ cuối tháng 6, đầu tháng 7 hầu như không có giao dịch.

“Với tư cách là những người lãnh đạo, quản lý đất đai trên địa bàn huyện, chúng tôi vẫn khuyên các hộ dân không nên bán đất ngay cả khi giá đất sốt cao, nếu không có mục đích rõ ràng và có lợi lâu dài. Cả hai năm nay, chúng tôi không tiến hành đấu giá đất được bởi không thể nắm được chính xác giá đất tại các khu vực, vì không có nổi một mẫu khảo sát”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, về lâu dài, với sự quá tải ở khu vực đô thị thì các khu vực ngoại thành sẽ là những địa điểm được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận, trong ngắn hạn, những khu vực như Ba Vì sẽ rất khác các khu đô thị vì giá trị sử dụng thực không cao.

“Hiện nay chưa mấy ai nghĩ đến chuyện đến ở Ba Vì để đi làm Hà Nội, trong khi người dân ở đây thì họ không thiếu đất ở. Nếu ai đó có khuấy động lên để hâm nóng thị trường cũng khó, vì không nhiều giá trị thực”, ông Sơn nói.

24h

Đọc thêm