Các chân rết ma túy tại Ecuador đang lợi dụng những học sinh hư hỏng để tuồn ma túy vào học đường. Thực trạng này đang đe dọa sẽ thui chột một bộ phận không nhỏ trong thế hệ tương lai của Ecuador.
Khi Tamara Chevez từ trường trở về nhà hồi tháng 10/2012, cha mẹ cô nữ sinh 13 tuổi này đã hoảng hốt khi thấy sắc mặt con gái tái nhợt đi. Hỏi thì Tamara chỉ nói rằng cô hơi mệt và cần nghỉ ngơi một lát. Tuy nhiên, vài giờ sau, khi lên phòng để kiểm tra tình hình sức khỏe của con gái, gia đình phát hiện Tamara đã tử vong. Các kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy cô gái trẻ thiệt mạng vì đã dùng một hỗn hợp bao gồm cocain và thuốc an thần. Theo kết quả điều tra sau đó của cảnh sát, những thứ thuốc chết người này được Tamara mua tại chính trường học.
Một cảnh sát Ecuador đang nói chuyện về tác hại của ma túy với học sinh. Ảnh: BBC |
Những cái chết tương tự như Tamara đã được ghi nhận ngày càng nhiều tại Guayaquil - thành phố lớn nhất của Ecuador. Tuy nhiên, vụ việc này như một hồi chuông báo động và gây ra một con sốt trong giới truyền thông Ecuador. Trong vài tuần sau đó, các phóng viên tại nước này đã tiến hành nhiều cuộc điều tra tại các trường học và phát hiện một thực trạng báo động: trường học đang dần bị biến thành “chợ” ma túy và những học sinh chính là những chân rết buôn bán những chất gây nghiện chết người.
Không giống như các nước láng giềng như Colombia và Peru – vốn được xếp vào danh sách những nước xuất khẩu cocain lớn nhất thế giới, Ecuador hầu như không trồng cây coca. Tuy nhiên, nước này lại được xem là một điểm trung chuyển quan trọng trong tuyến đường buôn bán ma túy từ Nam Mỹ sang châu Âu. Theo báo cáo về ma túy trên toàn thế giới năm 2012 của Bộ Ngoại giao Mỹ, các băng nhóm khét tiếng như băng Zetas, Sinaloa, Gulf của Mexico hay nhóm phiến quân Farc của Colombia đều có các đường dây vận chuyển ma túy qua Ecuador. Ngoài ra còn có nhiều bằng chứng cho thấy hoạt động tinh chế cocaine cũng đang ngày càng phổ biến ở nước này.
Những điều trên đồng nghĩa với việc các loại ma túy có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu ở Ecuador, với mức giá vô cùng hợp lý. Một liều perica – một hỗn hợp gồm có cocain trộn lẫn với một số chất khác – có giá chỉ 1 USD. “Các băng đảng ma túy trả công cho các đối tượng trung gian bằng chính ma túy hay tiền mặt. Các đối tượng trung gian này sau đó phân phối ma túy tới các chân rết. Tiếp đó, các chân rết này đã tìm đến những nhóm đối tượng như những cô bé hay các cậu bé đã bị đuổi ra khỏi hệ thống giáo dục để thuê họ đi bán ma túy cho chúng” – Bộ trưởng nội vụ Jose Serrano cho biết.
Ma túy hiện được bán không chỉ xung quanh mà còn ở bên trong các trường học. Theo một hiệu trưởng tại Guayaquil, các học sinh có rất nhiều cách để đem các chất gây nghiện vào trong trường – có thể bằng cách giấu vào những cây bút, giấu vào gấu quần áo đồng phục hay giữa các trang trong các quyển sách, quyển vở. “Ma túy có mặt các trường học, giống như nạn trộm cắp hay bạo lực vậy. Tất cả những thứ ngoài xã hội đều hiện diện trong các trường học” – ông Ricardo Loor – một chuyên gia về ngăn ngừa ma túy thuộc văn phòng ma túy Ecuador cho hay.
Trở lại với cái chết của Tamara Chevez. Dư luận xã hội sau đó đã nhiều lần kêu gọi các trường học có các biện pháp để đối phó với những kẻ buôn bán ma túy. Nhiều trường học đã tăng cường việc giám sát các học sinh ra vào các cơ sở của mình. Một số trường ở Guayaquil thậm chí đã yêu cầu cảnh sát tiến hành một số đợt kiểm tra túi xách và sử dụng chó nghiệp vụ để truy tìm ma túy trong học đường. Nhiều hiệu trưởng tại thành phố này còn mời cảnh sát đến lớp học để nói chuyện về mối nguy hiểm từ ma túy. Tuy nhiên, nhiều người khác cho rằng cần phải có những chiến lược lớn hơn để xử lý tình trạng buôn bán ma túy trong học đường. “Vấn đề ma túy sẽ không thể giải quyết chỉ bằng một kế hoạch về cuộc nói chuyện hay những hội thảo. Giải quyết thực trạng sử dụng ma túy phải được xem là một vấn đề xã hội và y tế chứ không chỉ về là một chính sách” – chủ tịch Liên đoàn giáo viên quốc gia Ecuador Luis Chancay nói.
Minh Ngọc (Theo BBC)