Từ hơn nửa thế kỷ trước, những ngôi nhà biệt thự mang phong cách Pháp đã mọc lên giữa xứ đồng chiêm trũng Hà Nam. Vẻ đẹp của làng khiến cho người ta ngẩn ngơ nhưng cũng gợi lên niềm ưu tư về sự “nay còn, mai mất”.
Đình làng với kiến trúc độc đáo |
"Á hậu" trong làng lụa
Làng cổ Cự Đà (Thanh Oai, Hà Nội) mới đây có những ngôi nhà cổ Việt tuổi hàng trăm năm, những biệt thự Pháp hai tầng rêu phong bị người ta đập đi xây mới bởi “núi tiền” đền bù rơi xuống từ một dự án. Thế mà cách Hà Nội chưa đầy 60 cây số, một làng biệt thự Pháp “sừng sững” giữa một vùng “đồng trắng nước trong” từ non thể kỷ trước vẫn gần như giữ được vẹn nguyên giữa bao biến thiên của thời cuộc.
Bước chân vào làng Nha Xá (xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) đã thấy rộn rã tiếng thoi đưa, tiếng máy dệt vang lên đều đặn khắp đầu thôn cuối xóm. Chỉ riêng cái tên làng thôi đã gợi lên cho người ta cái gì đó xa xưa. Ông Phạm Văn Bằng, trưởng ban văn hóa xã bảo rằng: Nghe các cụ bảo thì thời trước cái làng này có nhiều người làm nha lại lắm nên mới có tên Nha Xá. Còn tôi cứ có một nỗi mơ hồ xa xăm chẳng biết cái tên Nha Xá có dính dáng gì đến cái nghề dệt lụa ươm tơ đã có ở đây từ 700 năm trước hay không.
Cũng nuôi tằm, ươm tơ dệt vải nhưng số phận của những tấm lụa Nha Xá dường như “phận hẩm duyên hiu” hơn cô chị Vạn Phúc. Trong khi lụa Vạn Phúc bước vào cung đình, tham gia các hội chợ quốc tế ở Marseille, Paris thì cô em vẫn chỉ phục vụ cho giới bình dân “chân đất, áo nâu” trong những phiên chợ làng. Nhưng cái hồn của lụa tơ tằm Nha Xá như vẻ đẹp của một cô gái quê, là cái hồn của thiên nhiên, trong sắc có độ trong, độ đục, có sự lấp lánh dưới ánh nắng trời…
Bên chén trà, ông Nguyễn Văn Tiến năm nay đã ngót ngét trăm tuổi như trôi về miền ký ức những ngày thịnh vượng của làng lụa khi xưa. Lúc đó khắp cả làng vang lên tiếng khung cửi, nhà cụ Cánh, nhà cụ Thủ Trang, cụ Ba Vối có đến hàng mấy chục khung dệt suốt đêm ngày. Thời gian thịnh vượng nhất của làng dệt Nha Xá là những năm 1920-1940, không chỉ dệt hàng, các cụ còn tẩy nhuộm rồi đem đi phân phối khắp trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí, còn sang cả Campuchia, Lào, Hồng Kông.
Biệt thự nhà ông Lê Thiều xây dựng năm 1933 với những nét kiến trúc Á Đông |
Lúc chưa có tiền buôn lớn, đàn ông trong làng cứ mỗi người một tay nải đựng vải rồi nhảy tàu xe lửa ra Hà Nội, vào Phan Thiết, vô Sài Gòn. Dần dà những thương nhân làng lụa Nha Xá mở mang xây dựng đại lý ở khắp nơi. Ông Lê Văn Doanh có đại lý ở Nha Trang, hàng tháng những súc lụa tới hàng trăm mét sản xuất ở quê nhà được đóng culi (đóng vào bao) rồi gửi xe lửa vào. Hay nhà ông Phạm Ngọc Phả có tiệm buôn ở Phan Rang rồi cả ở Phnôm Pênh, Hồng Kông.
Cổ kính và lãng quên
Có tiền, những ông chủ buôn tơ lụa bắt đầu về kiến thiết quê nhà bần hàn. Những ngôi nhà Tây thay thế cho những ngôi nhà tranh vách đất giữa vùng đồng chua chiêm trũng. Biệt thự hai tầng với những ống nước bằng sắt đúc, những họa tiết cầu kỳ như nhà ông Ba Thâu, ông Lê Văn Doanh.
Lại có những biệt thự Pháp mái chảy như nhà bà Phạm Thị Ngoan, Lê Thị Phúc, rồi nhà có dáng dấp như từ đường với mái ngói vảy rồng của cụ Phó Yến. Người dân ở Nha Xá vẫn cứ tấm tắc khen mãi cái biệt thự có cái tên mỹ miều “Biệt thự Đường Loan”của ông Lê Mộng Việt, đây thực sự là “điền trang thái ấp” của chủ nhân một thời giàu có vào hàng “đệ nhất Nam Hà” xưa.
Nhưng quý hơn cả là biệt thự của ông Phạm Ngọc Phả mà giờ người cháu Phạm Khắc Tiệp đang ở. Ngôi nhà đề năm xây dựng 1930 với ba chữ Hán bằng sứ đắp nổi cầu kỳ Trung-Thiên-Địa nghĩa là nhà ở giữa trời và đất. Ngôi biệt thự mặt bằng vuông rộng 28m2 với những ban công, họa tiết trang trí đậm phong cách Pháp, toàn bộ cầu thang và mặt sàn tầng hai bằng gỗ lim đen nhánh sau gần trăm năm. Giàu có, ông Phả còn thuê hẳn kiến trúc Pháp vẽ bản thiết kế mà nét vẽ trên giấy Pulia sau ngần ấy thời gian vẫn rõ mồn một.
Sống giữa một vùng đồng chua chiêm trũng, mùa mưa tháng bẩy tháng tám là phải bắc cầu tre đi lại trong làng, những thương nhân giàu có đã xuất tiền tôn đường, mua gạch về lát khắp đường làng ngõ xóm “mưa lội chẳng lấm chân”. Rồi nữa, họ lại xây hẳn một ngôi trường làng bề thề có cái tên Vân Đồn (nơi ghi dấu chiến công của thành hoàng làng Trần Khánh Dư) làm nơi cho con cháu học tập rèn luyện thành tài. Đình làng cũng được “tân trang” do chính ông Phạm Ngọc Phả làm đốc công với một tòa đại bái bề thế cổ kính “vừa Ta, vừa Tàu” vào loại độc nhất Việt Nam.
Những năm sau chiến tranh, ở Nha Xá nhà biệt thự cổ Pháp còn nhiều lắm nhưng rồi hết dần. May giờ cũng còn trên ba chục ngôi nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà tầng kiểu mới. Nhiều biệt thự đã bong tróc hay ố màu thời gian nhưng vẻ tráng lệ vẫn làm say lòng kẻ hiếu kỳ. Làng đẹp đến mức, đều đặn mỗi khoá thực tập, các thế hệ sinh viên kiến trúc, mỹ thuật ở các trường đại học của Hà Nội vẫn rủ nhau về ngồi ở các góc làng quyến rũ này để lấy cảm hứng và chọn nguyên mẫu sáng tác.
“Mang tiếng làng biệt thự Pháp nhưng tôi lo lắm chú ạ! Mình không giữ được, không bảo tồn thì chỉ dăm năm nữa là coi như không còn cái nào mà ngắm mà khoe…”. Ông Bằng buồn bã nói vậy. Nhà bà Đằng đã từng định thuê đến 4 triệu đồng để người ta lăn sơn mới toàn bộ ngôi nhà. Còn ông Tiệp thì bảo rằng: Sở dĩ ngôi nhà còn nguyên vẹn như lúc mới xây là bởi gia đình không có điều kiện lẫn kinh phí để mà sửa sang.
Đến nay, trong gần ba chục ngôi nhà kiểu Pháp còn giữ được, có quá nửa số đang xuống cấp trầm trọng. Có những ngôi nhà chủ nhân không dám ở đành dọn ra vườn nhưng vì tiếc nên không dám phá. Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Bằng cho biết, hiện nay UBND tỉnh Hà Nam đã lập đề án đưa làng cổ Nha Xá vào tuyến phát triển du lịch cùng với đền Lảnh Giang nhưng dự án vẫn chưa biết bao giờ mới được phê duyệt.
Giang Hoàng