Làng có nhiều người tâm thần

Xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành (Quảng Nam) có hơn 30 người tâm thần, hầu hết còn trẻ. Nhiều gia đình có người bệnh chưa được hưởng chính sách hỗ trợ.

Xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành (Quảng Nam) có hơn 30 người tâm thần, hầu hết còn trẻ. Nhiều gia đình có người bệnh chưa được hưởng chính sách hỗ trợ.

Theo thống kê, toàn xã có 22 người mắc bệnh tâm thần ở độ tuổi từ 20 - 50, hơn chục đối tượng khác có biểu hiện bất thường đang được lập hồ sơ điều tra, xác định mức độ để điều trị và hưởng chính sách của nhà nước. Trong đó, riêng thôn Tịch Tây có 11 người tâm thần.

Đưa chúng tôi tới nhà chị Nguyễn Thị Ng. (27 tuổi, thôn Tịch Tây), bà Châu Thị Cẩm Vân, cán bộ LĐ-TB&XH xã, cho biết: Ng. là một trong những trường hợp trẻ tuổi mắc bệnh tâm thần nay đã chữa trị khỏi. Năm 23 tuổi đang khỏe mạnh, nổi tiếng xinh đẹp và hát hay, bỗng nhiên Ng. đổ bệnh suốt ngày đi lang thang, không kiểm soát được hành vi của mình.
Ông Nguyễn Văn Nh. đã đỡ bệnh, mong muốn vợ con trở về
Ông Nguyễn Văn Nh. đã đỡ bệnh, mong muốn vợ con trở về

Từ ngày chữa lành bệnh, Ng. ngại không đi đâu, suốt ngày ở nhà giữ cháu. “Những ngày em bị bệnh, em thích đi lang thang. Giờ nghĩ lại em thấy xấu hổ quá. Em cũng không biết vì sao lại thế nữa. Sang năm, em sẽ xin làm công nhân để ba mẹ đỡ khổ”, Ng. tâm sự. Theo ông Nguyễn Khánh, cha của Ng., cả nhà không ai bị mắc chứng bệnh này. Khó khăn lắm, gia đình và cán bộ xã mới đưa được bệnh nhân đi chữa bệnh.

Cách đó không xa là ngôi nhà tình nghĩa của ông Nguyễn Văn Nh. (47 tuổi). Ông bắt đầu mắc chứng bệnh tâm thần từ năm 1983 khi mới tròn 20 tuổi. Suốt thời gian dài, người dân trong xã từng khiếp sợ những hành động điên cuồng của ông mỗi khi lên cơn.

Có vợ và hai con, nhưng rồi cả vợ và con đều bỏ ông đi biền biệt. Chính quyền xã đứng ra đưa ông đi chữa trị, xây nhà tình nghĩa để ông ở. Nay chứng bệnh đã thuyên giảm, nhưng hành động và lời nói của ông vẫn khác người. “Mỗi tháng chỉ được 120 ngàn đồng tiền trợ cấp xã hội, hằng ngày, ông vẫn phải tự đi đánh cá để kiếm thức ăn và uống thuốc chữa bệnh”, bà Vân cho biết. Hỏi ông Nh. giờ đỡ bệnh rồi thì muốn gì ? Ông đáp: “Chỉ mong vợ con quay về. Giờ vợ con ở đâu tôi cũng không biết”.

Hoàn cảnh nhất là gia đình cụ Phan Thị Thơ (80 tuổi) cũng ở thôn Tịch Tây. Cụ có người con trai duy nhất là ông Trần Văn N. 44 tuổi, bị ngây ngô. Ông N. mắc bệnh hơn 15 năm nay, hằng ngày chỉ biết quẩn quanh trong nhà.

Thấy có khách, ông cười lớn đòi đuổi khách về. Bà mẹ chạy theo nước mắt lưng tròng: “Nó cứ tưng tửng thế đó. Mai này tôi chết đi không biết nó sẽ ra sao?”. Mỗi tháng ông N. chỉ có 180 ngàn đồng tiền chính sách cho người tâm thần nên cuộc sống hai mẹ con rất khó khăn.
Cụ Phạm Thị Thơ và người con trai điên dại. (Ảnh: Nguyễn Thành)
Cụ Phạm Thị Thơ và người con trai điên dại. (Ảnh: Nguyễn Thành)
Ngoài thôn Tịch Tây, các thôn Thanh Trà, Đông Yên, Long Bình, Định Phước, Long Phú rải rác có người tâm thần, riêng tổ 10 thôn Định Phước có nhiều người mắc bệnh. Hầu hết dân ở đây đều là công nhân mỏ đá Chu Lai. “Công nhân mỏ đá tiếp xúc với bom mìn, làm việc trong môi trường căng thẳng mắc bệnh là điều dễ hiểu. Nhưng người dân thường cũng mắc bệnh thì khó giải thích được”, bà Vân nói.
Ông Châu Ngọc Hồng, Chủ tịch UBND xã Tam Nghĩa, cho biết: “Người tâm thần gây áp lực rất lớn cho chính quyền xã. Chúng tôi đã báo cáo cấp trên tình trạng này. Tuy nhiên, đến nay chưa có ngành chức năng nào điều tra tìm hiểu”.

Hầu hết gia đình có người bệnh đều hoàn cảnh khó khăn, để lập hồ sơ hưởng chính sách trợ cấp, xã phải mất nhiều thời gian, yêu cầu thủ tục quá nhiều, nhiều người mắc bệnh không nhận mình bị bệnh nên rất khó cho cán bộ xã. Do đó, đến nay nhiều gia đình có người bệnh vẫn chưa được hưởng chính sách.    
Theo Nguyễn Thành
Tiền Phong

Đọc thêm