Vang tiếng tứ phương với dặm dài lịch sử, thế nhưng gốm Thanh Hà (TP. Hội An) đang đứng trước bờ vực thất truyền bởi thiếu lớp hậu bối nối nghiệp. Am hiểu, nắm được thủ thuật tinh xảo của nghề giờ đây duy chỉ còn một nghệ nhânlà cụ Nguyễn Lành đã ở cái tuổi bát thập cổ lai hy…
|
Một nỗi niềm đau đáu tìm người nối nghiệp tổ tiên của lão nghệ nhân đang ngày đêm giữ lửa cho làng gốm |
Ngày đêm mang trong mình những nỗi trăn trở, suy tư bởi con cháu ông bây giờ không ai còn mặn mà với cái nghề mang hơi thở của đất như thế hệ của ông ngày trước. “Hồi đó mới lên 3 tôi đã biết cùng chúng bạn ra đồng vắt những khối bùn đất non mang về nhà rồi học làm theo người lớn nhào nặn nên vô số đồ vật đáng yêu như tò he, heo đất.... Đó vừa là thú vui vừa là dịp để những bọn trẻ trong làng như bọn tôi thi thố tài năng xem ai khéo tay hơn. Có lẽ nghề gốm trong tôi bắt đầu thai nghén từ đó. Lớn thêm chút nữa tôi bắt đầu thích thú với nghề làm gốm, cứ hễ ai chỉ bảo thêm gì là ham lắm, còn không nhìn ba mẹ làm rồi bắt chước, dần dần cũng thạo. Nhẩm tính cũng gần cả một đời gắn bó với nghề”, ông Lành kể.
Một thời làng gốm Thanh Hà tưởng chừng sẽ bị chôn vùi theo sự tàn phá của bom mình kẻ địch khi thực dân Pháp tiến hành càn quét vào làng, người dân chỉ còn nước bỏ lại đất đai, vườn tược kể cả làng gốm tổ tiên truyền lại để chạy giặc. “Lúc đó giặc vô đốt phá sạch nhà cửa, lò gốm cũng bị chúng thiêu rụi. Ba mẹ tôi đưa bốn anh em vào trong Tam Kỳ lánh nạn. Kể từ đây tôi quyết tâm trau dồi tay nghề dựa vào sự chỉ dạy của người ông, trong suốt hơn 1 năm chuyên tâm khổ học, tôi đã nắm được tất cả những cốt lõi làm nên sản phẩm gốm Thanh Hà và mang tâm niệm mai này khi đất nước giải phóng mình sẽ quay về quê hương dựng lại cơ nghiệp, truyền dạy nghề cho người trong làng”, ông nói tiếp. Và không lâu sau khi tìm về mảnh đất sinh ra nghề gốm Thanh Hà, ông đã cùng một số người cao tuổi thời bấy giờ chung tay khôi phục lại nghề gốm trên chính nơi mà nó đã sinh ra.
Sở dĩ làng gốm Thanh Hà bây giờ không còn được phát triển phồn thịnh như xưa cũng bởi người “kế tục” làng gốm chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Còn nếu nói về làm gốm chính thống Thanh Hà duy chỉ còn lò gốm của ông là giữ được cái hồn của làng gốm thuở xưa. “Cũng muốn đem hết tài năng, tâm huyết truyền đạt lại cho tụi trẻ lắm chứ nhưng chẳng ai chịu học. Tụi nó cứ nghĩ cái nghề này vất vả mà thu nhập chẳng đáng là bao nên được một thời gian theo nghề là bọn trẻ bỏ ngang. Vả lại nghề gốm đòi hỏi sự tỉ mỉ, chịu khó, kiên trì học hỏi thì mới nên”, ông chia sẻ. Theo như ông nói thì những đứa con của làng gốm bây giờ khi lớn lên họ không còn chút mặn mà với cái nghề đất sét bàn xoay nữa mà rẽ hướng đi tìm những cái nghề “thời thượng” mà xã hội đang cần chứ nhất quyết không chịu theo cái nghể “rẻ mạt” mà người đàn ông duy nhất trong làng đang gìn giữ. Và dù cho thời thế có đổi vận thế nào, làng gốm có đi xuống đáy bờ vực của thất truyền thì như ông nói khi nào ông còn sức là khi ấy lửa lò gốm vẫn cháy.
Thanh Ba