Lặng lẽ giữa biển người

Làn da rám nắng, ánh mắt tập trung cao độ, đôi chân như cắm xuống lớp cát biển cứ mỗi lúc ùn lên dày thêm, lại mỏng lại theo lớp sóng vỗ. Đôi mắt ngắm nhìn về hướng biển, nơi có hàng trăm con người đang thỏa thích ngụp lặn với biển cả. Họ là những người lặng lẽ canh giữ cho bờ biển luôn được bình yên mỗi khi bình minh thức dậy và khi chiều buông xuống.

Làn da rám nắng, ánh mắt tập trung cao độ, đôi chân như cắm xuống lớp cát biển cứ mỗi lúc ùn lên dày thêm, lại mỏng lại theo lớp sóng vỗ. Đôi mắt ngắm nhìn về hướng biển, nơi có hàng trăm con người đang thỏa thích ngụp lặn với biển cả. Họ là những người lặng lẽ canh giữ cho bờ biển luôn được bình yên mỗi khi bình minh thức dậy và khi chiều buông xuống.

Chiếc còi báo hiệu nhỏ tý.
Chiếc còi báo hiệu nhỏ tý.

Một chiều tháng 7 nắng cháy, ánh mặt trời đã chếch hẳn về phía núi, trên bãi biển Phạm Văn Đồng, hàng nghìn lượt người bắt đầu đổ ra để thả mình vào làn nước trong mát thì công việc của những người trong Đội cứu hộ cũng bước vào thời gian “cao điểm” nhất. Lẫn trong đám đông người chen nhau tắm mát, họ lặng lẽ, đôi mắt chăm chăm nhìn ra biển nơi có người tắm. Vai khoác phao cứu hộ, mình bận áo cộc tay, quần cộc, tư thế luôn sẵn sàng lao ra phía biển để báo hiệu cho người tắm nếu có sa vào vùng nguy hiểm, hoặc xả mình lặn một hơi dài để lần tìm nếu có ai không may sa phải vực xoáy, sụp hục…

Tay đưa chiếc còi báo động, anh Nguyễn Nữa (1971), sống ở phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà vui vẻ nói: “Đây là phương tiện báo động đặc biệt đấy, khi có tiếng còi thì mọi người đều phải chú ý, giống như khi trọng tài thổi thì các cầu thủ đang say máu chơi bóng cũng phải để ý (cười). Tuy nhiên, chiếc còi này tiếng nhỏ quá, có khi nó cũng trở nên lạc lõng giữa đám đông kia, phải thân hành lao ra chỗ có dấu hiệu nguy hiểm để cảnh báo hoặc dẫn người tắm đến chỗ an toàn”. Anh Nữa có thâm niên 11 năm làm cái nghề canh bãi biển này, từ ngày Đội cứu hộ thành lập.

Công việc bắt đầu từ 4 giờ 30 đến 7 giờ 30 phút và từ 15 giờ đến 19 giờ là phải túc trực thường xuyên, khoảng thời gian còn lại thì chỉ cần có người trực trên chòi canh. Anh kể về kỷ niệm lần cứu vớt em bé 10 tuổi năm 2002 bị sẩy chân vào hục ở bãi tắm T18: “Khi nghe tiếng kêu cứu của người nhà đi tắm cùng bé, chúng tôi phán đoán sự việc, hỏi người nhà cháu tắm đoạn nào, lập tức tôi lặn gấp ra chỗ cháu bé tắm và mò tìm. Do bị uống nước, cháu chìm rất nhanh, nhưng sau một hồi thì tôi quờ được cháu, đưa vào bờ và tiến hành các bước sơ cứu hô hấp nhân tạo khẩn cấp. Rất may cháu nhanh chóng tỉnh lại.

 

Cho đến giờ, người nhà vẫn thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm sức khỏe tôi”. Có hôm anh em cứu hộ phải trông chừng một người say rượu suốt mấy tiếng đồng hồ liền tắm gần vùng nguy hiểm, có nhắc nhở, khuyên can cũng không chịu nghe. “Nói mãi anh ta cũng không lên, mình cũng đâu bỏ người ta đi được, nên đành trông chừng anh ta tắm đến cả mấy tiếng đồng hồ” - anh Nữa nói. 

Đội cứu hộ bãi biển hiện nay thuộc Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, có 70 người, được chia làm 15 tổ. So với đường bờ biển của Đà Nẵng thì con số này còn rất mỏng. Trước tháng 5-2009, chế độ dành cho các đội viên được hưởng theo hình thức giao khoán, sau ngày 1-5-2009 thì chuyển sang hưởng lương theo số bậc (tính theo năm công tác). Nếu không yêu nghề thì khó mà trụ lâu được, với lại làm công việc này thì phải có sức khỏe, có sức chịu đựng và cả sự chấp nhận nữa. Chính vì thế, trong số 23 người đầu tiên vào đội cùng anh Nữa kể từ ngày lập đội vào năm 1999, đến nay còn lại khoảng 15 người.

“Với chúng tôi, biển là ngôi nhà thứ hai của mình. Không ra khơi, mà ngày ngày canh giữ cho sự bình yên của bãi biển cũng là một niềm hạnh phúc, nhưng nếu có một chế độ thích hợp để bảo đảm cuộc sống thì anh em sẽ yên tâm để công tác hơn mà không phải phân tâm đến miếng cơm manh áo cho gia đình”, anh Nữa tâm sự.

Bài và ảnh: Trọng Huy

Đọc thêm