Lắng nghe dân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, là một nghị quyết đặc biệt quan trọng của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII). Nghị quyết đã xác định mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, những việc phải làm từ nay đến năm 2025 và đến năm 2030.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất”, nghị quyết xác định. Chính vì thế, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đã được trình Quốc hội, hiện đang được lấy ý kiến của nhân dân.

Phải nói rằng, việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được triển khai sâu rộng đến từng thôn, xóm, tổ dân phố nhằm ghi nhận tâm tư, nguyện vọng, những lo lắng của nhân dân. Mỗi người dân đều được tiếp cận Dự thảo, góp ý kiến trên nền tảng số. Điều này có ý nghĩa chính trị quan trọng; tầm ảnh hưởng, tác động rộng lớn.

Làm sao để Luật Đất đai (sửa đổi) khắc phục được những hạn chế của Luật Đất đai hiện hành (năm 2013)?

“Chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, tạo kẽ hở để không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng, tham nhũng, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước”, là nhận định quan trọng của Nghị quyết 18-NQ/TW.

Để khắc phục được hạn chế, bất cập này, các chuyên gia, nhà quản lý; các cơ quan nghiên cứu, tư vấn, phản biện phải phát huy cao nhất trí tuệ. Chính phủ rất nghiêm túc, kỹ lưỡng, khoa học, đồng thời với việc phát huy dân chủ rộng rãi là việc các địa phương nơi gần dân, trực tiếp quản lý đất đai phải biết lắng nghe, phản ánh chính xác tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của người dân ở mỗi vùng, miền với đặc trưng văn hóa, điều kiện kinh tế, tự nhiên khác nhau. Biết nghe dân, biết khái quát cũng là năng lực của chính quyền.

Luật Đất đai có nhiều chính sách quan trọng, nên nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước và người dân trong sở hữu, sử dụng đất đai. Đất đai là tài nguyên đặc biệt của mọi quốc gia.

Luật Đất đai có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường, gìn giữ lợi ích, “của để dành” cho muôn đời con cháu mai sau, bởi quy luật “người sinh, đất không đẻ”. Cuộc sống đang đòi hỏi Nhà nước với tư cách chủ thể “thực hiện quyền của chủ sở hữu” phải có tư duy, quan điểm, chủ trương, chính sách mới trong quản lý đất đai; bảo đảm sử dụng đất đai tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; phòng, chống tham nhũng về đất đai; thực hiện tốt cải cách hành chính, bảo đảm bình đẳng, công bằng, tiến bộ.

Điều này chính là thước đo về năng lực thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đất đai của Nhà nước.

Đọc thêm