Lắng nghe người dân để xây dựng luật

(PLO) - Dựa vào dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân để xây dựng chính sách, pháp luật và cũng để kiểm tra xem các chính sách, pháp luật đó đúng hay sai. Bởi tiếng nói của Nhân dân là một trong những căn cứ để chỉnh sửa các quy định tại văn bản luật còn chưa phù hợp, nhằm phục vụ Nhân dân một cách tốt hơn. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri huyện Tiên Lãng - Hải Phòng.

Đó chính là nền tảng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc hoạch định và xây dựng các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Và điều này đã được thể hiện một cách rõ nhất khi mới đây, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã hoãn thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) để tiếp tục lắng nghe ý kiến Nhân dân và có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện. Đặc biệt, trong các cuộc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều nêu bật một quan điểm nhất quán: những chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân.

Luôn coi người dân là chủ

Có lẽ, ít cuộc tiếp xúc cử tri nào mà diễn ra ngay sau khi Quốc hội vừa kết thúc kỳ họp như vừa qua. Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV kết thúc ngày 15/6 thì ngày 17/6 (Chủ nhật), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp xúc cử tri TP. Hà Nội. Tiếp sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng lần lượt tiếp xúc cử tri tại TP Cần Thơ, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh. Điều đó khẳng định, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến những tâm tư, trăn trở của người dân, luôn coi dân là chủ, là gốc của đất nước.

 Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội nói chung và lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói riêng mới cảm nhận sâu sắc hơn Nhân dân đang quan tâm vấn đề gì, băn khoăn điều gì và việc gì chưa làm người dân hài lòng. Khi Nhân dân mong chờ được lắng nghe, được bày tỏ tâm tư đối với những người có thẩm quyền cũng có nghĩa là họ rất tin tưởng vào tính dân chủ, cởi mở, thẳng thắn của những người đứng đầu Đảng, đứng đầu Quốc hội, Chính phủ…Lắng nghe Nhân dân, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan chức năng sẽ nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình, để từ đó giải quyết triệt để những băn khoăn, bức xúc của người dân, gây dựng thêm niềm tin của Nhân dân vào công tác xây dựng luật của Quốc hội.

Trao đổi với cử tri và Nhân dân về những băn khoăn, lo lắng liên quan đến những quy định tại dự án Luật Đặc khu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, những băn khoăn, lo lắng của Nhân dân, cử tri là đúng, đồng thời hoan nghênh, biểu dương tinh thần yêu nước, sự quan tâm chính đáng của Nhân dân đối với những vấn đề quan trọng của đất nước. Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong quá trình ban hành luật, Quốc hội luôn lắng nghe ý kiến cử tri và Nhân dân. Nhiều đại biểu Quốc hội tâm huyết, nhiều cử tri gửi thư cho Quốc hội góp ý. Trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã quyết định lùi lại thời gian thông qua luật để tiếp thu tối đa ý kiến của Nhân dân.

Để cử tri yên tâm hơn, bà nhấn mạnh: “Chúng ta đã hy sinh bao nhiêu xương máu và mấy chục năm đổi mới để có được đất nước ngày hôm nay - hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển thì chúng ta đâu có đơn giản đến mức để ban hành một Luật hay hình thành đơn vị đặc khu để rồi làm cho đất nước khó khăn”. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Những quy định trong Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở phải đảm bảo chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng của đặc khu và của quốc gia”. 

Giải thích rõ cho người dân hiểu

Đề cập đến vấn đề thời hạn thuê đất dự kiến tối đa 99 năm ở các đặc khu mà thời gian qua dư luận quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giải thích với cử tri hết sức cặn kẽ và rõ ràng, qua đó giúp những người chưa hiểu, chưa thông cũng được tỏ tường. Theo đó, quy định cho thuê đất 99 năm chỉ áp dụng đối với trường hợp đặc biệt, do Thủ tướng Chính phủ xem xét, còn phổ biến là 70 năm hay thấp hơn như Luật Đất đai. “99 năm trong trường hợp nào? Là trong trường hợp đặc biệt. Đặc biệt như thế nào? Đó phải là công trình vô cùng tiêu biểu, đầu tư rất lớn, đòi hỏi chi phí rất cao, thu hồi vốn rất chậm mà đất nước mình cần công trình đó… Quy trình duyệt công trình đặc biệt như vậy phải hết sức chặt chẽ như trước khi Thủ tướng Chính phủ quyết định, phải trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bộ Chính trị, Thường vụ Quốc hội và các cơ quan chức năng khác”- Thủ tướng phân tích.

Sinh  thời, khi đánh giá về Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân biệt thành 3 loại: loại tích cực, tiến bộ; loại trung bình và loại lạc hậu. Đối với loại tích cực, tiến bộ thì Bác yêu cầu Đảng phải phát huy vai trò của họ làm đầu tàu lôi kéo mọi người; loại trung bình thì Đảng phải tập hợp, tác động để họ trở thành tích cực, còn đối với những người lạc hậu thì phải chăm lo, giáo dục, giúp đỡ để họ tiến bộ.

 Trước những hành động quá khích, dụ dỗ, lôi kéo người dân biểu tình, gây rối, cả người đứng đầu Đảng và Chính phủ đều chỉ rõ: bản chất sâu xa là các đối tượng đã xuyên tạc sự thật, kích động lòng yêu nước chân chính của người dân để âm mưu việc xấu, trong đó có bàn tay của những phần tử phá hoại, không loại trừ yếu tố nước ngoài. 

“Chúng ta, đặc biệt là những cán bộ đảng viên phải tiếp tục vận động, thuyết phục, tuyên truyền, nói cho nhân dân rõ, hiểu, đồng thuận với các chủ trương của Đảng và Nhà nước. Người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo và tuyệt đối tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và đặc biệt không lơ là, mất cảnh giác, nhất là lớp trẻ, tránh bị những kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Còn Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng mong “các bác, các đồng chí hết sức tỉnh táo, bình tĩnh và tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Làm vì nước, vì dân, không có mục đích nào khác và không ai dại dột giao đất cho người nước ngoài để họ vào đây làm rối mình”.

Qua những việc làm trên có thể thấy, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc trọng dân, lấy dân làm gốc trong mọi quyết sách, đường lối của Đảng và Nhà nước đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị và luôn được mọi cán bộ, đảng viên học tập, noi theo. Không chỉ vạch ra đường lối, xây dựng thể chế…, Đảng ta còn luôn từ nơi dân, dựa vào dân để kiểm định đường lối, chính sách và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách đó cho đúng.  Vấn đề quan trọng hơn là thông qua những lần tiếp xúc với Nhân dân, lắng nghe dân, càng củng cố thêm lòng tin yêu vững chắc của Nhân dân vào Đảng, vào Chính phủ và cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Đọc thêm