Làng nghề và ô nhiễm môi trường làng nghề

Lâm Đồng là địa phương chưa có nhiều làng nghề, mặc dù ngành nghề nông thôn đã tương đối phát triển ở một số địa phương của tỉnh vào các kỳ nông nhàn. Ngành nghề nông thôn và làng nghề vì vậy đã tham gia tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo thêm công ăn việc làm cho nông dân với thu nhập cao và ổn định hơn làm nông nghiệp thuần tuý.
Lâm Đồng là địa phương chưa có nhiều làng nghề, mặc dù ngành nghề nông thôn đã tương đối phát triển ở một số địa phương của tỉnh vào các kỳ nông nhàn. Ngành nghề nông thôn và làng nghề vì vậy đã tham gia tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo thêm công ăn việc làm cho nông dân với thu nhập cao và ổn định hơn làm nông nghiệp thuần tuý. Tuy nhiên, nếu không được quy hoạch và quản lý tốt làng nghề môi trường sẽ bị ô nhiễm nặng nề.

Thống kê của UBND tỉnh, Lâm Đồng hiện có 2 làng nghề truyền thống đã được công nhận là Làng hoa Thái Phiên (phường 12, Đà Lạt) và Làng hoa Hà Đông (phường 8, Đà Lạt) và một số làng nghề truyền thống, ngành nghề nông thôn gắn liền với sản xuất nông nghiệp nhưng chưa làm thủ tục để được công nhận như nghề dệt thổ cẩm (6 cơ sở), làng nghề mây tre đan (2 cơ sở), làng nghề nuôi tằm- ươm tơ- dệt lụa (2 cơ sở), làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (2 cơ sở), nghề sản xuất gốm và nhẫn bạc truyền thống (2 cơ sở). Ngoài các làng nghề và ngành nghề này, ở nhiều khu vực nông thôn của tỉnh còn có thêm một số nghề khác như rèn, đan lát, nấu rượu cần, xay sát… phục vụ nhu cầu dân sinh và nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp ngay tại chỗ. Thực tế này cho thấy, làng nghề ở Lâm Đồng còn ít, quy mô nhỏ, sản phẩm còn đơn điệu và mang đậm bản sắc riêng của từng cộng đồng dân tộc nên phần lớn chỉ mới được tiêu thụ ngay tại địa phương. Làng nghề truyền thống và ngành nghề nông thôn vì vậy hiện chưa phải là nguyên nhân quan trọng làm ô nhiễm môi trường, nhưng vấn nạn ô nhiễm môi trường nông thôn sẽ ngày càng gia tăng tỷ lệ thuận với việc phát triển của làng nghề và ngành nghề.

Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh (Sở NN-PTNT) - cơ quan quản lý Nhà nước về làng nghề và ngành nghề nông thôn trên địa bàn - thì đối với 2 làng nghề sản xuất hoa là Thái Phiên và Hà Đông, phần lớn diện tích hoa đã được trồng trong nhà lưới, nhà kính nên đã hạn chế  được lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vô cơ, kiểm soát được nguồn nước và lượng nước tưới; tuy nhiên vẫn còn một số hộ sử dụng thuốc BVTV không đúng chủng loại, liều lượng và còn có tình trạng thải bỏ phế thải ra môi trường tự nhiên… gây ô nhiễm sông suối và phát tán mầm bệnh. Ở các làng nghề dệt thổ cẩm, ươm tơ - dệt lụa  và mây tre đan với nguyên liệu sản xuất được khai thác tại chỗ và sản phẩm phần lớn là lụa tơ tằm, trang phục hoặc hàng lưu niệm (với nghề thổ cẩm và ươm tơ - dệt lụa)và các loại sản phẩm phục vụ nông nghiệp- dân dụng (với nghề mây tre đan) nên tác nhân gây ô nhiễm môi trường như bụi và tiếng ồn không lớn, song nguồn nước dùng cho ngâm tẩm nguyên liệu, nước nhuộm vải…  tuy đã được xử lý bước đầu qua các bể lắng nhưng “… nếu không được tiếp tục xử lý thích hợp và thải với lượng cao sẽ gây ra ô nhiễm nghiêm trọng môi trường tại các khu dân cư.” 

Thực tế hiện nay - theo UBND tỉnh - thì công tác bảo vệ môi trường ở các làng nghề và các hộ làm ngành nghề hiện đã được các cơ sở và người sản xuất tự giác thực hiện là chủ yếu. Việc thanh - kiểm tra và xử lý các vi phạm về Luật Bảo vệ môi trường cũng đã được các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện thường xuyên… nên môi trường ở các làng nghề cơ bản vẫn được bảo vệ. Khó khăn hiện nay của địa phương là Nhà nước chưa có cơ chế- chính sách hướng dẫn cụ thể để các làng nghề thực hiện công tác bảo vệ môi trường và chức năng nhiệm vụ về bảo vệ môi trường làng nghề của các ngành (rõ nhất là giữa ngành NN-PTNT và ngành TN-MT), các cấp chưa rõ ràng và chồng chéo.
Xuân Đức

Đọc thêm