Ở nhiều vùng nông thôn, nạn bạo lực gia đình vẫn thường xuyên xảy ra, là nỗi nhức nhối đối với xã hội. Thì ở làng Cầu Chính, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang từ hai năm qua đã xây dựng được CLB Phòng chống bạo lực gia đình, đảm bảo cuộc sống bình yên, ấm no cho mỗi người dân.
Làng Cầu Chính khoảng 7 năm trở về trước còn nghèo và lạc hậu lắm. Ấn tượng mà người dân làng khác đi vào làng này là phải men theo những con đường nhỏ. Cầu Chính nằm lọt thỏm giữa cánh đồng, với khoảng 60% người công giáo. Thu nhập chủ yếu dựa vào nông nghiệp, cuộc sống nghèo nàn, chẳng mấy ai quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Cũng vì kinh tế thiếu thốn, nên mọi xích mích trong gia đình cũng từ đó mà nảy sinh. Vợ chồng hay đánh cãi nhau, lại do nhận thức hạn chế, bố mẹ vẫn thường dạy con bằng roi vọt, thậm chí đánh đập thậm tệ.
|
Một góc làng Cầu Chính |
Mấy năm trở lại đây, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình được đẩy mạnh, phong trào xây dựng các gia đình văn hóa được nâng cao, đời sống người dân phát triển. Bạo hành gia đình cũng giảm đi. Làng lại có lò dạy cầu lông cộng thêm việc dạy văn hóa của ông Phạm Văn Vũ, đào tạo nhiều thế hệ vận động viên cầu lông cho tỉnh Bắc Giang và Quốc gia, đã góp phần làm cho tư duy của người dân được đổi mới. Họ đã phấn đấu để nuôni dạy con cái, đầu tư cho con cái học hành rồi trở thành làng văn hóa Cầu Chính, khang trang sạch đẹp như ngày nay.
Ngày từ năm 2008, Câu lạc bộ Phòng chống bạo lực gia đình (CLB PCBLGĐ) thôn Cầu Chính đã manh nha ra đời. Cho đến tháng 3/2009 thì đi vào hoạt động chính thức. Xã Tân Dĩnh là một trong hai xã của huyện Lạng Giang, được tỉnh Bắc Giang lựa chọn để triển khai Dự án “Xây dựng năng lực địa phương phòng chống bạo lực gia đình” do Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tài trợ. Làng Cầu Chính, xã Tân Dĩnh triển khai xây dựng thành công mô hình CLB PCBLGĐ.
Sau hơn 1 năm hoạt động, CLB đã khẳng định được hiệu quả rõ rệt và trở thành mô hình điểm, đang được nhân rộng trên địa bàn huyện Lạng Giang. Chị Nguyễn Thị Nga - Cán bộ phụ trách Văn hóa - Gia đình xã Tân Dĩnh cho biết: “Trước đây, người dân Cầu Chính có trình độ học vấn thấp, kinh tế phát triển không đồng đều, dẫn đến nhận thức lệch lạc, kèm theo đời sống khó khăn nên đã nảy sinh nhiều vấn đề, như: vợ chồng đánh cãi chửi nhau.
Tình trạng này đã xảy ra tại nhiều gia đình trong làng. Trước tình hình diễn biến phức tạp, chi uỷ và chính quyền đã nỗ lực bắt tay vào cuộc. Tháng 3 năm 2009, thực hiện hướng dẫn của Ban Văn hoá - Gia đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, làng đã thành lập CLB PCBLGĐ. Từ khi đi vào hoạt động, CLB đã cùng với chi uỷ, chính quyền và tổ hòa giải của làng tiến hành hoà giải được nhiều vụ tranh chấp đất đai trong gia đình; anh, chị, em, vợ chồng xung đột…”
Bà Hoàng Thị Thoa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ của làng, Chủ nhiệm CLB PCBLGĐ Cầu Chính cho biết, từ khi thành lập, CLB đã thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền về Luật PCBLGĐ, Luật bình đẳng giới và các hướng dẫn về phát triển kinh tế hộ gia đình. CLB đã thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong làng tổ chức các hoạt động như diễn kịch, tấu hài, tọa đàm về việc xây dựng đời sống ấm no…
Qua đó, đã giúp các hội viên hiểu rõ Luật PCBLGĐ, trang bị cho hội viên những kỹ năng giao tiếp trong các mối quan hệ, như: vợ - chồng, mẹ chồng - nàng dâu… CLB có Ban chủ nhiệm nhiệt tình, đã thường xuyên tổ chức hướng dẫn toàn thể hội viên cách nhận thức vấn đề và hướng giải quyết. Trước tiên, giúp hội viên nhận thức rõ nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo lực gia đình, như: tư tưởng trọng nam khinh nữ, nguyên nhân về kinh tế, hạn chế về nhận thức, thiếu hiểu biết về pháp luật, rượu chè, cờ bạc…
Sau đó, cùng nhau họp bàn để tìm ra hướng giải quyết. Theo định kỳ mỗi tháng một lần, CLB sinh hoạt, cùng với việc giải quyết các vấn đề trong thực tế, thường đưa ra những tình huống giả định rồi cùng nhau đưa ra những cách giải quyết hợp lý nhất.
Với nhiều thành tích đã đạt được, năm 2010 CLB đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang tặng bằng khen. Nhận thức được lợi ích của CLB đối với đời sống mỗi gia đình, nên số hội viên đăng ký tham gia ngày càng đông, lên đến hơn 50 người.
Giờ đây, Cầu Chính không còn bạo lực ở trong ngóc ngách mỗi gia đình. Người dân đã ý thức được việc gìn giữ hạnh phúc mới là điều quan trọng của mỗi tổ ấm. Bà Hoàng Thị Thoa cả quyết: “Dân chúng tôi nói không với bạo lực gia đình.
Vì thế, làng đã được công nhận là làng văn hóa, các gia đình cũng được công nhận gia đình văn hóa. Rất mong mô hình CLB này sẽ được phát triển trên địa bàn toàn tỉnh”.
Nguyễn Văn Học