Lạng Sơn hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 7/7, UBND tỉnh Lạng Sơn thông tin các kết quả nổi bật trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức họp báo Quý II/2022 (Ảnh: Lê Hanh)
UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức họp báo Quý II/2022 (Ảnh: Lê Hanh)

Năm 2023, tỉnh Lạng Sơn bước vào triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, bên cạnh những thuận lợi như: Dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát tốt, các ngành, lĩnh vực tiếp tục có sự hồi phục sau đại dịch, Trung ương quan tâm bổ sung nguồn lực, chấp thuận chủ trương thực hiện nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh thuận lợi hơn.

Tình hình sản xuất, kinh doanh phát triển ổn định

Trong 6 tháng đầu năm, lãnh đạo UBND tỉnh đã làm việc với một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn để thu hút đầu tư, thảo luận các giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, thực hiện nộp thuế tại tỉnh; tổ chức đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025); chỉ đạo hoàn thành hồ sơ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Lạng Sơn tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện đạt được các kết quả tích cực, hoàn thành công nhận 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022.

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tăng 5,32% so với cùng kỳ, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%, công nghiệp và xây dựng tăng 6,93%, dịch vụ tăng 5,2%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,63%.

Tỉnh Lạng Sơn phấn đấu hoàn thành vượt mức mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh: Lê Hanh)

Tỉnh Lạng Sơn phấn đấu hoàn thành vượt mức mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh: Lê Hanh)

Sản xuất công nghiệp trong các tháng đầu năm cơ bản ổn định và tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng tăng 5,79% so với cùng kỳ; có 08/13 sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên địa bàn cơ bản đạt tiến độ và tăng so với cùng kỳ; ban hành kế hoạch triển khai dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Đến nay đã có 05 cụm công nghiệp được thành lập, quyết định chủ trương đầu tư, lựa chọn được nhà đầu tư, đủ điều kiện triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đang thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư 04 cụm công nghiệp, thẩm định hồ sơ thành lập 03 cụm công nghiệp.

Hoạt động thương mại tại tỉnh Lạng Sơn nửa năm đầu diễn ra sôi động, các mặt hàng thiết yếu được cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất cũng như đời sống của Nhân dân; khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước 14.245 tỷ đồng, đạt 52,97% kế hoạch, tăng 17,3% so với cùng kỳ.

Hoạt động giao thông vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân, công tác kiểm tra, kiểm soát phương tiện được tăng cường, giao thông luôn thông suốt; doanh thu vận tải đạt 1.018,2 tỷ đồng, tăng 9,13% so với cùng kỳ. Dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục được cải thiện, nâng cao chất lượng, doanh thu bưu chính 105 tỷ đồng, đạt 52,2% kế hoạch; doanh thu viễn thông 650 tỷ đồng, đạt 68,42% kế hoạch.

Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 cơ bản ổn định, đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 293 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ; đăng ký thành lập mới 258 doanh nghiệp, đạt 51,6% kế hoạch, tăng 14% so với cùng kỳ, tổng số vốn đăng ký 1.530 tỷ đồng, giảm 54%38; lũy kế toàn tỉnh có 3.896 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 40.525 tỷ đồng, có 770 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động; thành lập mới 18 hợp tác xã, đạt 45% kế hoạch, giảm 31% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký 34 tỷ đồng, giảm 37,2%, giải thể 06 hợp tác xã; hiện toàn tỉnh có 472 hợp tác xã, tổng vốn đăng ký 1.063,2 tỷ đồng, 02 liên hiệp hợp tác xã.

Công tác chuyển đổi số được triển khai toàn diện và đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Tại đây, 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã triển khai sử dụng chữ ký số và Hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh hoạt động ổn định, kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia và tích hợp, đồng bộ dữ liệu với 1.723 thủ tục hành chính; cung cấp, công khai 1.344 dịch vụ công trực tuyến một phần, toàn trình trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công của tỉnh và cung cấp dịch vụ “xác thực thông tin công dân”.

Đồng thời, tỉnh duy trì hoạt động cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh, 100% các xe hàng khai báo trực tuyến và xử lý trên nền tảng cửa khẩu số trước khi vào cửa khẩu. Kinh tế số tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó kinh tế số nông nghiệp nông thôn duy trì phát triển trên sàn thương mại điện tử. Tiếp tục triển khai nền tảng Công dân số Xứ Lạng, đã triển khai cài đặt 624.405 tài khoản, đạt 131% kế hoạch, 80% dân số của tỉnh.

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Lê Hanh)

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Lê Hanh)

Phấn đấu hoàn thành vượt mức mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Trong 6 tháng cuối năm 2023, UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các ngành, các cấp tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các Nghị quyết của Chính phủ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh và Quyết định của UBND tỉnh về nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2023.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung chỉ đạo công tác giải ngân thanh toán vốn đầu tư công năm 2023 đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.

Các ngành, các cấp cần nâng cao khả năng dự báo tình hình, nắm bắt các chính sách, biện pháp áp dụng đối với hoạt động xuất nhập khẩu của phía Trung Quốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực thông quan hàng hóa qua địa bàn tỉnh, hạn chế ùn tắc hàng hóa và bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.

Đồng thời, duy trì ổn định sản xuất của các cơ sở công nghiệp. Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, các huyện, thành phố (DDCI), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023….

Đọc thêm