Lạng Sơn: Nỗ lực đưa pháp luật đến với đồng bào vùng cao

(PLO) - Những năm qua, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho người dân vùng cao, tỉnh Lạng Sơn đã chủ động phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng trong đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến các thôn, bản gắn với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực.
Tuyên truyền pháp luật cho đồng bào vùng cao. Ảnh minh họa
Từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành của tỉnh đã biên tập và phát hành trên 10 vạn cuốn tài liệu tuyên truyền, hỏi đáp pháp luật; 1.000 cuốn sách tập hợp các vụ án mua bán người đã được Tòa án nhân dân tỉnh xét xử; cấp phát đến các thôn, bản hơn 1 triệu tờ gấp pháp luật cùng 10.000 đĩa CD, VCD bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh cũng đã xây dựng và duy trì hoạt động của 338 câu lạc bộ pháp luật. 
Với các hình thức như: Câu lạc bộ “Thanh niên với pháp luật”; Câu lạc bộ “Bạn giúp bạn”; Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”; Câu lạc bộ “Phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em”…, những câu lạc bộ này đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tư vấn pháp luật miễn phí giúp cho hội viên và người dân nâng cao nhận thức pháp luật. 
Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền được hơn 9.000 cuộc với hơn 35 vạn lượt người tham gia; tổ chức xét xử lưu động hơn 90 vụ án tại cơ sở với gần 10.000 lượt người dân tham dự. 
Điểm nhấn nổi bật nhất trong đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật đến người dân vùng cao là công tác trợ giúp pháp lý ở Lạng Sơn đã được tập trung thông qua việc mở rộng mạng lưới tổ hòa giải cơ sở và đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý tại các xã, thị trấn. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát triển được 2.323 tổ hòa giải ở thôn, bản với gần 1 vạn hòa giải viên. 
Các tổ hòa giải đã tham gia hòa giải 100% việc phát sinh; trong đó tỷ lệ hòa giải thành công thường xuyên đạt trên 80%. Qua đó đã giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp và vi phạm pháp luật nhỏ trong cộng đồng dân cư, góp phần củng cố tình làng nghĩa xóm và ổn định chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn.
Bên cạnh đó, xuất phát từ những đặc điểm riêng của một tỉnh miền núi biên giới, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân vùng cao, tỉnh Lạng Sơn đã chú trọng phát huy tốt vai trò của đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 
Theo đó, hàng năm Sở Tư pháp phối hợp cùng Ban Dân tộc và các cơ quan chức năng trên địa bàn tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ người có uy tín của tỉnh. Ngoài những nội dung như Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống ma túy…, người có uy tín còn được bồi dưỡng những kiến thức về công tác dân tộc, tôn giáo; biện pháp bảo đảm an ninh trật tự. 
Nhờ đó, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được phát huy khá hiệu quả. Đa số người có uy tín trên địa bàn đều tích cực vận động quần chúng nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ các tập tục lạc hậu; tự giác tuân thủ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 
Ông Tô Hùng Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Lạng Sơn đánh giá: “Trên cơ sở phát huy tốt vai trò của hơn 2.000 người có uy tín trên địa bàn, công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân vùng cao đã góp phần quan trọng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân nói chung, từ đó giúp hạn chế các vụ việc vi phạm pháp luật, giữ vững tình hình ổn định tại các địa phương trong toàn tỉnh”.

Đọc thêm