Lạng Sơn phát triển mạnh đường giao thông nông thôn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhờ được quan tâm đầu tư, phong trào xây dựng giao thông nông thôn tại các địa phương tại Lạng Sơn đang phát triển mạnh.
Đường giao thông nông thôn tại xã Song Giang, huyện Văn Quan (Ảnh: Minh Hữu)
Đường giao thông nông thôn tại xã Song Giang, huyện Văn Quan (Ảnh: Minh Hữu)

Ông Dương Công Vĩ – Giám đốc Sở GTVT Lạng Sơn cho biết, việc xây dựng giao thông nông thôn ở Lạng Sơn đang được thực hiện theo tinh thần của Đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025 do Hội đồng Nhân dân tỉnh phê chuẩn.

Cũng theo ông Dương Công Vĩ, những năm trước đây, việc xây dựng giao thông nông thôn gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề vốn. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025, nhờ được sự quan tâm của Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn, nguồn vốn để thực hiện xây dựng giao thông nông thôn đã được bố trí linh hoạt, chủ động hơn.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, giai đoạn trước đây, nhà thầu thực hiện dự án giao thông nông thôn thường bị nợ đọng kéo dài, dẫn đến tâm lí không mấy mặn mà với các dự án này. Tuy nhiên, khoảng hai năm trở lại đây, hạn chế trên đã được tháo gỡ. “Chúng tôi cố gắng thanh toán sớm cho nhà thầu, dự án trong năm sẽ được bố trí khoảng 50% vốn, năm sau sẽ trả nốt 50% còn lại”, ông Dương Công Vĩ từng chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam.

Đầu tư đường giao thông nông thôn người dân trực tiếp được hưởng những tiện ích. Trong ảnh là một đường giao thông nông thôn tại huyện Lộc Bình trước và sau khi được đầu tư. Ảnh: Minh Hữu
Đầu tư đường giao thông nông thôn người dân trực tiếp được hưởng những tiện ích. Trong ảnh là một đường giao thông nông thôn tại huyện Lộc Bình trước và sau khi được đầu tư. Ảnh: Minh Hữu

Ông Hồ Tiến Thiệu – Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, tỉnh xác định xây dựng giao thông nông thôn là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và là một trong những nhiệm vụ chính trị. Do đó, những năm qua, tỉnh đã quan tâm, dành nguồn lực lớn để xây dựng giao thông nông thôn. “Mỗi dự án làm xong, người dân tại các thôn, xã được hưởng lợi một cách trực tiếp. Đường sá được mở mới, tạo sự đồng thuận, phấn khởi trong nhân dân. Việc đi lại dễ dàng sẽ thúc đẩy kinh tế, văn hoá xã hội tại các thôn, xã phát triển”, ông Hồ Tiến Thiệu nói và cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục dành nhiều nguồn lực để phát triển giao thông nông thôn.

Theo báo cáo của Sở GTVT Lạng Sơn, năm 2022, toàn tỉnh thực hiện xây mới được hơn 350 km đường giao thông nông thôn, sửa chữa duy tu được khoảng 4.000 km… Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, đã tạo được sự đồng tình cao trong nhân dân. Năm qua, người dân đã hiến hơn 35.000 m2 đất và khoảng hơn 23 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn.

Năm 2022, một số huyện tại Lạng Sơn thực hiện tốt xây dựng giao thông nông thôn có thể kể đến như Văn Quan (hơn 57km), Bắc Sơn (32,46km), Tràng Định (hơn 38km), Cao Lộc (hơn 35,5km), Đình Lập (44,9km)…

Theo Sở GTVT Lạng Sơn, đến nay tại Lạng Sơn, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê tông đạt 92,8%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa đạt 72%.

Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh Lạng Sơn tiếp tục xây mới ít nhất 350 km đường giao thông nông thôn; phấn đấu tỷ lệ đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hoá đạt 96,1%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hoá đạt 75%…

Đường giao thông nông thôn tại xã Tân Liên, huyện Cao Lộc. (Ảnh: Minh Hữu)

Đường giao thông nông thôn tại xã Tân Liên, huyện Cao Lộc. (Ảnh: Minh Hữu)

Đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu cứng hóa thêm được 1.750km mặt đường giao thông nông thôn (tương ứng mỗi năm cứng hóa được 350km), nâng tổng số mặt đường giao thông nông thôn được cứng hóa đến hết năm 2025 đạt 6.705km/11.011km (đạt tỷ lệ 60,89%).

Đến hết năm 2025, Lạng Sơn phấn đấu đạt 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông, 80% số thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa; nâng tỷ lệ cứng hóa 4 loại đường giao thông nông thôn đạt tối thiểu 60%. Trong đó ưu tiên hoàn thành tiêu chí số 02 về giao thông của 115 xã trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Về nhu cầu vốn, theo Đề án, khối lượng thực hiện cho cả giai đoạn 2021-2025 là 1.750Km đường với tổng kinh phí 925,4 tỷ đồng. Cơ cấu vốn cụ thể như sau: vốn ngân sách hỗ trợ là 628,77 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 68%, vốn huy động khác là 296,60 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 32%...

Đọc thêm