Theo ông Phạm Ngọc Thưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, năm nay tỉnh đã có những bước phát triển khá khả quan, 16/18 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đặt ra đạt và vượt. Trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng lần đầu tiên đạt được, đạt ở mức cao. Ví dụ như lần đầu tiên doanh thu nội địa đạt trên 2.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 4,7 tỷ USD - cao nhất từ trước tới nay. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao gấp 3 lần mức trung bình của mọi năm (500 doanh nghiệp)…
Trong đó, VNPT cũng góp phần quan trọng vào kết quả đó bằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông tốt cho tỉnh, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính cũng như thường xuyên tham mưu cho tỉnh trong việc áp dụng các giải pháp CNTT trong hoạt động quản lý để tăng hiệu quả cũng như nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT của cán bộ, công chức trên địa bàn.
Ngày 19/12/2014, UBND tỉnh Lạng Sơn và VNPT ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về VT-CNTT. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác, hiện VNPT đã xây dựng hạ tầng băng rộng cáp quang kết nối tới hơn 90% Đảng ủy các xã, phường, thị trấn; 100% huyện ủy, thành ủy và Văn phòng tỉnh ủy. VNPT đồng thời cung cấp đường truyền kết nối cho Cục Hải quan, Cục Thuế, Bộ Công an với Công an tỉnh, Công an huyện Lạng Sơn… Mạng di động phủ sóng khắp tỉnh với hơn 600 trạm thu phát sóng 2G, 3G, 4G các loại.
Các giải pháp CNTT cũng được đưa vào ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ, VNPT đã triển khai thử nghiệm phần mềm một cửa điện tử liên thông tại huyện Bình Gia theo mô hình thuê dịch vụ CNTT. UBND huyện không phải đầu tư hạ tầng, thực hiện quản lý cơ sở dữ liệu tập trung đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Hiện Sở TT&TT Lạng Sơn đang phối hợp với VNPT triển khai giải pháp cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho các sở, ngành trên địa bàn tỉnh và dự kiến sẽ cung cấp đủ 353 dịch vụ công trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của tỉnh trong năm 2017.
Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được sử dụng để phục vụ hoạt động của UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội và một số đơn vị khác. Phần mềm quản lý trường học VnEdu được đưa vào sử dụng tại 185 trường học, cung cấp 35.000 sổ liên lạc điện tử cho các phụ huynh…
VNPT cũng đã hỗ trợ tỉnh trong công tác xử lý sự cố ATTT, đào tạo nguồn nhân lực VT-CNTT, nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT của cán bộ, công chức trên địa bàn. Cho tới thời điểm hiện tại, VNPT đã đào tạo trên 350 y, bác sĩ sử dụng phần mềm quản lý Khám chữa bệnh VNPT HIS, 800 lượt giáo viên sử dụng phần mềm quản lý nhà trường VnEdu, 1.300 cán bộ sử dụng phần mềm BHXH IVAN, kê khai thuế qua mạng VNPT CA…
Trong giai đoạn tới đây, Tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng viễn thông cho tỉnh. Dự kiến riêng trong năm 2018 sẽ bổ sung gần 90 trạm thu phát sóng di động, kéo cáp quang tới nốt 6 xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh để thay thế hoàn toàn mạng cáp đồng hiện nay. Thực hiện thử nghiệm triển khai đường truyền và dịch vụ Hội nghị truyền hình tại xã Bắc Sơn và sau đó nhân rộng mô hình ra toàn bộ 326 xã trên toàn tỉnh. Các giải pháp về chính quyền điện tử, giải pháp thông minh trong giám sát ATTT, đô thị thông minh cũng sẽ được triển khai.
VNPT cũng sẽ bố trí các nguồn lực để triển khai các hoạt động, chương trình đào tạo nguồn nhân lực về CNTT, ATTT theo nhu cầu của tỉnh, đảm bảo hỗ trợ chính quyền, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tiếp cận, sử dụng dịch vụ tốt nhất của VNPT.
Cho tới thời điểm hiện tại, VNPT đã có thỏa thuận hợp tác chiến lược về VT-CNTT với 55/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Không chỉ riêng tại Lạng Sơn, nỗ lực phát triển hạ tầng mạng lưới và tư vấn cho các tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý đã được nhiều tỉnh đánh giá cao vì những hiệu quả mang lại. Các giải pháp CNTT của VNPT, đặc biệt là bộ Giải pháp về Chính phủ điện tử ngày càng được các tỉnh đưa vào sử dụng rộng rãi hơn.