Cánh phóng viên đã không ít lần “dị ứng” với cách làm từ thiện của một số người: Chưa thấy báo đài, chưa tặng quà! Có người còn cố ăn mặc thật nổi bật, cốt cho… ăn hình.
|
Người nghèo vui mừng nhận quà hỗ trợ. |
1- Chỉ mới gặp lần đầu, nhưng từ dáng vẻ đến việc làm của bà Bùi Thị Thảo (phường Hòa Cường Bắc) đã khiến chúng tôi cảm nhận sự thân thương. Với người nghèo nơi đây, hình ảnh một người phụ nữ mảnh dẻ, giản dị đã quá đỗi thân thuộc đối với họ. Sau mỗi đợt thiên tai, hoạn nạn, gia đình bà đều có mặt kịp thời để hỗ trợ lương thực, tiền mặt cho bà con. Ngồi đợi lên nhận gạo cứu trợ, một chị cho biết: Dù đã chuyển đi sinh sống tại địa phương khác, nhưng có đợt nhận quà, chị vẫn được gọi về. Nước mắt chị lăn dài vì cảm động…
2- Chị Trần Thị Hòa (307 Vũ Quỳnh) bị tật hai tay, không đủ khả năng làm kinh tế nuôi con. Đứa con gái duy nhất của chị tưởng chừng khó bề tiếp tục việc học. Thế nhưng, từ khi con gái chị học cấp 2 cho đến bây giờ đã là cô sinh viên trường cao đẳng, năm nào em cũng được nhận học bổng trị giá trên 2 triệu đồng của một vị mạnh thường quân. Chị Hòa chưa hề gặp mặt vị ân nhân này, chỉ biết rằng, đó là một người cao tuổi sống tại nước ngoài, hằng tháng bà chia sẻ phần thu nhập của mình với mẹ con chị. “Dù vật giá có thay đổi thế nào thì số tiền hỗ trợ của bà cũng bảo đảm như vậy”, chị Hòa nói.
|
Bà Bùi Thị Thảo trong đợt trao hàng cứu trợ đồng bào bị thiệt hại do bão số 9 (năm 2009). |
3- Hai anh em vị tổng giám đốc nọ là cái tên khá nổi tiếng với các tổ chức từ thiện. Không đợi công văn, thư kêu gọi, đôi khi chỉ qua một cuộc điện thoại, họ đã sẵn sàng hỗ trợ. Điều đáng nói, họ làm từ thiện cũng rất ngẫu hứng. Và chính cái sự ngẫu hứng này đã khiến người nghèo vỡ òa sung sướng. Có lần ông lên sân khấu trao quà cho trẻ em, mỗi phần quà trị giá khoảng 100 nghìn đồng.
Bất chợt nhìn thấy một chú bé đáng thương vì mắc bệnh chậm phát triển, ông rút thêm trong túi một tờ tiền tặng cho cậu. Sau buổi trao quà, cha mẹ cậu bé ấy phải đứng lại một hồi lâu mới đủ bình tĩnh ra về, bởi bỗng dưng nhận được tờ… 100 USD. Lần khác, em trai ông đi tặng quà Trung thu cho trẻ em huyện Hòa Vang. Đến nơi, hay tin hoàn cảnh của trẻ em bị nhiễm bệnh tại đây đang rất khó khăn, lập tức ông quyết định mỗi năm sẽ giúp 20 triệu đồng trợ dưỡng lâu dài. “Họ làm ra nhiều tiền, nhưng cũng rất biết cách tiêu tiền”, đồng nghiệp chúng tôi đã nói vậy.
Bài và ảnh: TOÀN VÂN