Ngôi làng này có tên Vân hay Hòa Vân, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, thành phố Đà Nẵng. Còn đây là những người dân làng - những người không may mắc bệnh phong (cùi, hủi) trú chân sau những chặng đường chạy trốn mỏi mệt tha phương để tránh sự hắt hủi, kỳ thị của chính gia đình, đồng bào.
Và sau bao nhiêu năm khốn khổ, họ mới thực sự có nơi để được sống như một con người, được yêu thương và nhận lại yêu thương, được thực hiện ước mơ chăm lo vun vén gây dựng gia đình…. |
Di chứng để lại của bệnh phong khiến chân tay người dân không còn nguyên vẹn |
Cuộc sống bình yên trôi qua với những hoạt động tự cung tự cấp: chài lưới, bẫy chim, làm ruộng, chăn bò… Nhưng thực sự, khi đã khỏi bệnh, khát khao được hòa nhập cộng đồng, được thăm lại thân nhân bản quán, con em được đi học cao hơn luôn cháy bỏng trong lòng họ.
Vậy nên, khi TP. Đà Nẵng có chủ trương thu hồi đất, người làng Vân dù rất bịn rịn với mảnh đất cưu mang, dù nỗi sợ hãi bị kỳ thị vẫn còn ám ảnh vẫn đồng thuận di dời vào đất liền, bỏ hoang nhà cửa, ruộng vườn. Tháng 8/2012, cả làng thu vén toàn bộ đồ đạc, đánh cược số phận, mang đi một trời thương nhớ sang bên này vịnh Nam Chơn định cư.
Khu tái định cư cho người làng Vân |
Hậu di dời và tái định cư, hiện người làng Vân đã tương đối hòa nhập và ổn định sinh sống tại nơi ở mới. Đến nay, hơn 5 năm ở khu phố mới Hòa Hiệp Nam, cuộc sống của người làng Vân dần thay đổi, cuộc sống đã cởi mở hơn với cộng đồng xung quanh. Họ thích nghi và hòa nhập với môi trường mới. Không còn cảnh biệt lập, heo hút của ốc đảo ngoài chân đèo Hải Vân, vào bờ, cuộc sống nhiều thuận lợi hơn, điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Chính quyền và cộng đồng đã quan tâm tạo điều kiện tốt nhất cho họ an cư và lập nghiệp.
Mặc dù vậy, trong mỗi nếp nhà, mỗi thửa ruộng, mỗi mảnh vườn… dưới chân đèo Hải Vân vẫn thấp thoáng bóng dáng của từng người làng Vân, và người làng Vân vẫn chưa nguôi nhớ thương chốn nương náu cũ mà trở về, dù mai này làng Vân xưa thành những dự án mới, và dẫu vết ngôi làng cũ của họ chẳng còn....